Tối 12/11, tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” về chủ đề: "Phòng, chống dịch COVID-19 khi tình hình có dấu hiệu phức tạp trở lại", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM và TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 đã đăng đàn trả lời trực diện những băn khoăn, thắc mắc của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, hiện nay, vắc xin đã bao phủ toàn bộ dân số TPHCM (đối với mũi 1). Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, TPHCM cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Từ đầu tháng 10, TPHCM bắt đầu mở cửa, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.
“Chúng tôi phát hiện một số trường hợp dương tính rồi vẫn không tự cách ly, vẫn đi ra ngoài gặp gỡ những người xung quanh. Tình trạng này rất nguy hiểm nếu các F0 đến gặp những người lớn tuổi như ông bà bị bệnh nền, tai biến (có thể chưa được tiêm vắc xin) và vô tình lây bệnh cho những người dễ bị tổn thương vì dịch bệnh nhất”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.
“Ngày trước quan điểm của ngành y tế là bóc tách F0 khỏi cộng đồng tức “zero COVID”. Tuy nhiên, do chủng Delta lây lan nhanh, nhiều khu nhà trọ ở TPHCM chật hẹp, dịch bệnh đã ngấm sâu vào cộng đồng. Vì vậy, TPHCM buộc chuyển sang chiến lược sống chung”, ông Châu nói và nhấn mạnh sống chung với virus SARS-CoV-2 chứ không sống chung với dịch vì dịch quay lại thì nguy cơ rất lớn.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết từ đầu tháng 10, TPHCM mở cửa với hy vọng hệ thống điều trị đáp ứng cùng với độ phủ vắc xin thì thành phố có thể sống chung và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Khoa học đã chứng minh, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin khả năng nhiễm bệnh, chuyển nặng và tử vong rất thấp so với trường hợp chưa tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là người đã tiêm chủng đầy đủ không có nghĩa là không bị nhiễm và không bị diễn tiến nặng. Thực tế vẫn có một tỷ lệ nhỏ, đặc biệt là những người có bệnh nền.
“Chúng tôi rất lo. Phân tích mấy ngày qua, số ca tử vong tăng hơn những ngày trước. Đa số người tử vong đều trên 65 tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin (do các bệnh lý như tai biến mạch máu não…). Có trường hợp người lớn tuổi tiêm đủ vắc xin bị tử vong, có thể là do bệnh nền cộng với cơ địa của người lớn tuổi”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết
Theo ông Châu, vài ngày qua, số ca nhiễm có dấu hiệu tăng trở lại trên toàn địa bàn TPHCM, trong đó có 5 quận huyện tăng cao nhất là quận Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, TP Thủ Đức,… Ông khẳng định, nguyên nhân số ca nhiễm tăng trở lại là do TPHCM nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 để phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội.
F0 tăng có phải là bất thường? TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng nếu người dân tuân thủ 5K, đảm bảo giãn cách thì tình hình dịch bệnh có thể tốt hơn bởi thực tế, vẫn còn một bộ phần người dân chưa đảm bảo giữ khoảng cách để bảo vệ sức khoẻ, vẫn tập trung đông người.
Ngành y tế TPHCM có khuyến cáo gì đối với người dân? Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, virus SARS-CoV-2 có thể vượt qua được kháng thể của cơ thể nên dù người dân tiêm đủ liều vắc xin rồi cũng không được chủ quan. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách, 5K, đeo khẩu trang, rửa tay, đặc biệt là bỏ thói quen đưa tay lên mắt, mũi, miệng…
Trả lời một số thắc mắc về việc ứng phó như thế nào khi ca nhiễm tăng trở lại và các lực lượng tăng cường đã rút khỏi TPHCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết Sở Y tế đã xây dựng kịch bản cho 4 cấp độ dịch.
Theo TS.BS Phan Minh Hoàng, trong ngày 12/11, Bệnh viện Dã chiến số 6 tiếp nhận 658 ca F0, hầu hết là ở TP Thủ Đức, quận 4, quận Bình Thạnh. Số bệnh nhân từ quận huyện chuyển lên bệnh viện vài ngày qua tăng trở lại, có ngày tăng từ 100 – 150 ca.
Cụ thể, sau khi TPHCM qua đỉnh dịch, các bệnh viện dã chiến là trường học, khu tái định cư… đã dần đóng cửa, trả lại công năng cũ. Tuy nhiên, 3 bệnh viện hồi sức COVID-19 và 3 bệnh viện dã chiến số 13, 15, 16 sẽ tiếp tục duy trì lâu dài. Riêng bệnh viện dã chiến số 16 cải biến thành bệnh viện 3 tầng.
Bên cạnh đó, các bệnh viện quận huyện có thể tiếp nhận các F0 không có điều kiện tự cách ly tại nhà. Các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng xây dựng các khu thu dung tiếp nhận và điều trị các F0 triệu chứng nhẹ.
“Nói chung, thành phố đã chuẩn bị các kịch bản, kể cả xấu nhất. Không ai mong muốn nhưng nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp đến mức không kiểm soát được thì TPHCM buộc phải siết lại, thậm chí quay lại biện pháp giãn cách xã hội như thời gian trước. Các nước phát triển cũng xử lý như vậy. Khi các ca bệnh tăng đến mức không kiểm soát được thì buộc phải đóng cửa, phong toả, giãn cách...”, ông Châu nhấn mạnh.
Về việc tiêm vắc xin mũi 3, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết nhiều nước đang xúc tiến việc tiêm mũi 3 do sau tiêm chủng khoảng 6 tháng, kháng thể trong cơ thể bắt đầu giảm. Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị 63 tỉnh, thành phố lập kế hoạch để tiêm mũi 3. Việc tiêm trước mắt sẽ theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, vắc xin sẽ tập trung cho đối tượng có nguy cơ cao như người lớn tuổi, lực lượng tuyến đầu...
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)