"Phố vẫy Quất Lâm ấn tượng dư luận một phần do mục đích của khách. Nếu chỉ đến ăn uống, tắm biển đơn thuần thì sẽ không bao giờ bị quây, bị vẫy", Chánh văn phòng huyện Giao Thủy nói.
Trong khi nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất lập “phố nhạy cảm” thì tại những địa điểm được coi là “nhạy cảm” như bãi tắm Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định), chính quyền địa phương rất băn khoăn về tính khả thi của nó.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Giao Thủy, Nam Định cho biết: “Huyện chưa có phát ngôn về vấn đề này do chưa nhận được văn bản hay bất cứ kênh thăm dò ý kiến dư luận nào từ phía cấp trên, đề xuất mới chỉ là đề xuất. Quan điểm của huyện Giao Thủy là, nếu Chính phủ hoặc các Bộ, ngành có đưa ra dự thảo thì cần có đề án cụ thể, không đồng ý thì thế nào hoặc có đồng tình thì lợi ích hay mặt trái ra sao. Mọi phương án đều phải tính toán kỹ càng, rõ ràng, tránh việc chồng chéo các văn bản thực hiện hoặc là có hệ lụy khó lường sau này khi thực hiện trong cuộc sống.
|
Sau khi "bắt sóng" được với khách, các "bướm đêm" ở Quất Lâm mải miết "đi làm"
|
“Tôi chưa có quan điểm về việc này và cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề trước khi nói đồng tình hay phản đối. Vấn đề nào cũng vậy, khi đưa ra thực tế phải được nghiên cứu kỹ, tránh tình trạng thiếu căn cứ, đưa ra thực tế không lường trước hết các vấn đề gây hậu quả. Bởi một vấn đề đưa ra sẽ có các văn bản hướng dẫn thực hiện, không thể để văn bản chồng chéo nhau”, ông Tùng nói.
“Cá nhân tôi cho rằng, bất cứ vấn đề gì cũng phải được quản lý, nếu không được quản lý sẽ rất nguy hiểm mà cái gì quản lý chặt chẽ được cũng đều tốt cả”, vị Chánh văn phòng huyện khẳng định.
“Nếu công nhận mại dâm là một nghề mà nhiều người cứ lao vào “nghề” đó để mưu sinh thì cũng rất khó quản lý. Nhưng nói gì thì nói, cùng đường lắm người ta mới phải đi làm cái nghề như vậy. Tôi nghĩ rằng ở nước ngoài dù có công nhận là nghề cũng không mấy ai trân trọng như các nghề khác trong xã hội. Không ai phấn đấu vào nghề này cả”, ông Tùng đưa quan điểm.
Liên quan đến hiện tượng “phố vẫy” ở bãi biển Quất Lâm, ông Tùng thông tin: “Với dư luận lâu nay, nghĩ đến Quất Lâm người ta thường nghĩ đến những điều nhạy cảm. Nhưng với người dân ở đây thường ít ai nghĩ hay bàn luận đến những vấn đề nhạy cảm đó. Chúng tôi cũng liên tục xuống Quất Lâm tiếp khách nhưng không thấy điều gì bất thường. Thực chất vấn đề, tôi nghĩ còn do mục đích của khách khi đến với Quất Lâm. Nếu chỉ xuống ăn uống, tắm biển đơn thuần và không có nhu cầu khác thì không bao giờ có chuyện gặp nhân viên vẫy khách”, Chánh văn phòng huyện Giao Thủy khẳng định.
Ông Tùng cũng thông tin mới nhất đến phóng viên, hàng năm, huyện phối hợp chặt chẽ với phòng y tế tổ chức khám chữa bệnh cho các nhân viên nhà hàng có đăng ký danh sách để quản lý tốt hơn mặt trái của tệ nạn xã hội (như dịch bệnh HIV/AIDS) và tuyên truyền giáo dục về lối sống lành mạnh, văn hóa, đặc biệt với các nhà hàng tại khu bãi tắm.
Cùng những băn khoăn, nghi ngại nói trên, ông Nguyễn Cảnh Thạc, Chủ tịch UBND thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định cho rằng: “Địa phương không bao giờ dám nói đến việc có nên lập “phố nhạy cảm” hay không. Bởi hiện nay, pháp luật đã nghiêm cấm mọi hành vi mại dâm, hoặc mại dâm trá hình. Pháp luật đã không cho phép thì rất khó để bàn luận cho dù có thể một số nước trên thế giới đã thực hiện phố đèn đỏ kiểu như thế này nhiều năm nay”. Ông Thạc cũng tỏ ra dè dặt vì theo ông, địa bàn cơ sở địa phương chủ yếu là thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Hiện nay, luật pháp Việt Nam đang nghiêm cấm thì khó có thể công nhận hay lập ra “phố nhạy cảm” được.
Liên quan đến vấn đề quản lý và ngăn chặn các hoạt động mại dâm cũng như mại dâm trá hình, vị Chủ tịch thông tin nhanh, địa phương đã và vẫn đang làm rất khắt khe, đặc biệt là kiểm soát chặt vấn đề lưu trú, tạm trú, tạm vắng. Bên cạnh đó, luôn có sự phối hợp với các ban ngành liên quan, nhất là phía công an để hạn chế tối đa tệ nạn này trên địa bàn”.
Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Quất Lâm, mô hình bãi tắm ở Quất Lâm chỉ là mô hình cấp địa phương, không phải mô hình lớn, tính chất nhỏ lẻ. “Chúng tôi luôn quản lý sát sao, làm ráo riết, có những năm công an bắt được lên đến hơn 10 vụ hoạt động mại dâm trên địa bàn. Ở Quất Lâm cũng không tránh khỏi nhiều sự việc đáng tiếc tuy nhiên tất cả đều hoạt động dưới hình thức trá hình. Còn ở khuôn viên của bãi biển chủ yếu là hoạt động tắm biển và ăn uống. Đối với đề xuất lập “phố nhạy cảm”, theo tôi nếu luật pháp còn chưa thừa nhận thì cần phải xem xét kỹ”, ông Thạc khẳng định.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch cũng đưa ra một số vấn đề khó khăn trên thực tế với đề xuất lập “phố nhạy cảm”. Ông nói: “Bây giờ mà lập ‘”phố nhạy cảm”, gom những người hoạt động mại dâm vào một chỗ thì tôi thấy rất khó vì mình có biết người ta là ai đâu mà gom. Còn để họ tự nguyện đăng ký thì lại càng khó”.
>> Phá đường dây gái gọi cao cấp, giá một đêm gần 160 triệu đồng
>> Mại dâm lang thang, mối hiểm họa của xã hội
>> Tú ông lập đường dây mại dâm 100 USD ở Nha Trang
>> Sững sờ tần suất “yêu” của gái mại dâm Quất Lâm
Theo Bảo Vy – Ngọc An (Nguoiduatin.vn)