7 ngày đi tìm sự thật về sai phạm điểm thi nghiêm trọng ở Hà Giang
Tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang trở thành cú sốc đối với xã hội. Ngay sau đó, hàng loạt tỉnh khác như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình... cũng xuất hiện nghi vấn trong điểm thi.
Một kỳ thi mà trước đó được đánh giá "an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng" liên tiếp lộ ra những điểm đen xấu xí. Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương liên quan sai phạm.
Phải điều tra đến cùng sai phạm điểm thi ở Hà Giang
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc và xử lý thật nghiêm những cá nhân liên quan.
"Phải làm thật nghiêm vụ việc ở Hà Giang. Cơ quan công an cần làm rõ ngoài ông Vũ Trọng Lương (người được xác định trực tiếp sửa điểm - PV) còn có những ai tác động đến điểm thi. Nếu là phụ huynh thì xử lý phụ huynh; nếu là cấp trên ông Lương cũng phải xử lý thích đáng. Những vụ việc gian lận như ở Hà Giang là không chấp nhận được trong môi trường giáo dục", ông Nhĩ bức xúc nói.
Mặt khác, lãnh đạo địa phương Hà Giang, đặc biệt là Sở GD&ĐT Hà Giang phải nhận trách nhiệm khi không giám sát chặt chẽ các công đoạn của kỳ thi, để ông Lương qua mặt dễ dàng.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng nhìn nhận vụ việc trên có mức độ nghiêm trọng. Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm về điểm thi ở Hà Giang là rất đúng và kịp thời.
Chiều 2/7, tại hội nghị hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo về kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và những vấn đề của ngành giáo dục nói chung.
Ông Nhạ cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2018 khắc phục được hạn chế của năm 2017, đặc biệt là tăng tính phân hóa của đề thi.
"Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả điểm thi trên toàn quốc. Đến nay, kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp", người đứng đầu ngành giáo dục nói.
“Vụ việc đã rõ ràng, cơ quan chức năng xác định có sai phạm và người chủ chốt gây ra là ông Vũ Trọng Lương. Bây giờ, phải điều tra, làm rõ mấy trăm tin nhắn trong điện thoại của ông Lương như thế nào. Vấn đề tiêu cực chắc chắn có, không phải chỉ chữa điểm vô tư”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng sai phạm điểm thi ở Hà Giang cần được điều tra đến cùng.
Tương tự, nếu có những dấu hiệu, nghi vấn, Bộ GD&ĐT phải rà soát nghiêm túc để tìm ra.
"Tôi chỉ sợ Bộ GD&ĐT không rà soát nghiêm túc ở những tỉnh thành, vì nếu sai phạm hàng loạt thì áp lực tổ chức lại kỳ thi rất lớn. Tất nhiên, bộ làm nghiêm túc thì rất tốt nhưng thực lòng tôi thấy không khả quan", ông Phạm Tất Dong nói.
Mặt khác, GS Dong nhận định dư luận có phần đúng khi đặt ra câu hỏi về đường dây trong vụ việc can thiệp điểm thi ở Hà Giang. Vì nếu không có đồng phạm, hối lộ, người vi phạm chỉ sửa điểm của con, cháu, họ hàng của mình (nếu có) mà thôi, nhưng con số thực tế lên đến 114 thí sinh.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng nếu gian lận, tiêu cực trong thi cử xảy ra ở nhiều tỉnh, không chỉ Hà Giang, mà rất có thể các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình..., Bộ GD&ĐT và bộ trưởng cũng không tránh khỏi trách nhiệm.
Đừng để gian lận giết chết niềm tin của hệ thống giáo dục
Ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, cho biết ông vô cùng bất ngờ với sự việc gian lận thi cử ở Hà Giang.
Nếu không xử lý triệt để ở Hà Giang và các tỉnh thành khác, niềm tin của người dân vào nền giáo dục sẽ bị lung lay, rất khó khôi phục. Trong đó, vấn đề trước hết là cần làm rõ động cơ của ông Vũ Trọng Lương và động cơ liên đới những người khác. Cùng với đó là việc thanh tra, rà soát điểm thi ở những nơi có nghi vấn.
Theo quan điểm của ông Cảnh, câu chuyện ở Hà Giang không chỉ là 114 thí sinh bị sửa điểm với hơn 330 bài thi. Đây còn là câu chuyện niềm tin xã hội. "Điểm xấu" này phản lại tinh thần, giá trị chung của một hệ thống giáo dục, dù trước mắt là câu chuyện đơn lẻ.
Cú sốc ở Hà Giang là sự việc báo động rất lớn cho ngành giáo dục. Không những thế, đây còn là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội.
"Tiêu cực xảy ra ở lĩnh vực nào cũng không tốt nhưng trong giáo dục, nó đánh động cả một giá trị niềm tin và đạo đức của xã hội. Đừng để gian lận giết đi niềm tin của cả một hệ thống giáo dục", ông Cảnh chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhận trách nhiệm
Trong buổi họp báo thông tin về sai phạm ở Hà Giang và trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc chiều 17/7, ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang, nhận trách nhiệm với tư cách là trưởng ban chỉ đạo kỳ thi ở Hà Giang.
“Chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng do không có nghiệp vụ, yếu chuyên môn nên đã tạo khe hở. Đây là bài học xương máu cho giáo dục Hà Giang", ông Quý nói.
Về việc xử lý người liên quan sai phạm, theo phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, "trách nhiệm của Hội đồng thi Hà Giang, giám đốc GD&ĐT. Khi làm rõ đến đâu, chúng tôi sẽ xử lý đến đấy, không che giấu. Nếu bố mẹ chạy điểm cho con, khi có kết quả chính xác, sẽ xử lý và có kết luận cuối cùng".
Về trường hợp ông Vũ Trọng Lương trực tiếp can thiệp điểm thi, ông Quý khẳng định sau khi có kết luận của công an, nếu phải khởi tố sẽ khởi tố và đuổi việc... Tất cả đều tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
Theo Minh Nhật (Tri Thức Trực Tuyến)