Lãnh đạo Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 công khai xin lỗi tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam.
Ông An không tham gia thẩm định dự án
Trao đổi với PV ngày 22/7, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cho hay tháng 8/2016, Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam đã mời ông An tham gia dự án.
|
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh: Huỳnh Hải. |
"Rất tiếc, do lý do sức khỏe, ông An đã không thể tham gia thẩm định dự án. Do đó trong hồ sơ dự án trình lại Bộ Tài Nguyên & Môi trường tháng 4/2017, chúng tôi đã không để tên vị này trong danh sách các thành viên tham gia dự án", đại diện chủ đầu tư lý giải.
Không chỉ ông An, thạc sĩ Lê Thị Vân Linh (Viện kỹ thuật biển) và thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) đều lên tiếng khẳng định không tham gia thẩm định dự án nhận chìm gần một triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận nhưng bị đưa tên vào danh sách các nhà khoa học.
Về vấn đề này, ông Thành đề nghị liên hệ trực tiếp với đơn vị tư vấn là Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam để có thông tin chính xác.
Vùng biển Bình Thuận- nơi Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 dự kiến nhận chìm 1 triệu m3 chất thải. Ảnh: Huỳnh Hải. |
Gần 1 triệu m3 chất thải chỉ 20% là bùn
Ông Thành cho biết, vật liệu nạo vét dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bao gồm cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, đá phong hóa, sét và bùn trầm tích thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện. Trong số này chỉ 20% là bùn trầm tích và 80% là vật liệu các loại.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 khởi công ngày 18/7/2015. Ngày 28/6 vừa qua, dự án đã đóng điện lần đầu thành công tổ máy số 1. Dự kiến cuối năm 2018, nhà máy đưa vào vận hành phát điện thương mại.
Lãnh đạo Công ty TNHH nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cho rằng Luật Tài nguyên và môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 40 của Chính phủ quy định rõ danh mục các vật chất được nhận chìm ở biển, trong đó có chất nạo vét, bùn thải, các chất địa chất trơ, chất vô cơ.
Các đơn vị tư vấn là Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam. Toàn bộ quá trình này, ngoài các kỹ sư, thạc sĩ môi trường thuộc đơn vị tư vấn, các chuyên gia nghiên cứu động lực học, môi trường cũng được mời tham gia để đảm bảo tính khoa học và khách quan của dự án.
"Người đó tự xưng là giám đốc, nói đây là lỗi do cô thư ký của công ty đánh máy nhầm, chứ tôi không hề có tên trong danh sách đó", TS. Nguyễn Tác An nói. |
Tiến sĩ Nguyễn Tác An khẳng định ông không tham gia gì trong việc lập hồ sơ dự án nhận chìm gần một triệu m3 bùn, cát ở vùng biển Bình Thuận. “Tôi nghĩ việc dối trá, mạo danh nhà khoa học như vậy không thể tưởng tượng được. Công luận người ta sẽ có ý kiến, công lý, dư luận sẽ trừng phạt những người làm bậy”, ông An bức xúc. |
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa đình chỉ công tác 15 ngày với ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ, do tham gia điều hành doanh nghiệp trong khi đang là công chức tại Viện. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Viện tiến hành kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và xem xét xử lý kỷ luật với ông Quân theo quy định. Riêng ông Quân phải báo cáo việc thành lập Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam và việc tham gia tư vấn dự án nhận chìm một triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận; việc đưa tên các nhà khoa học vào dự án... Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống vùng biển Bình Thuận. |
Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)