Điểm mới của đường dây nóng ATGT năm nay là phân ra nhiều số điện thoại theo từng lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, mảng vận tải do Vụ Vận tải, Vụ ATGT, Thanh tra Bộ Giao thông, Tổng cục đường bộ VN phụ trách; mảng trật tự ATGT do Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT phụ trách.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia), việc phân chia đường dây nóng ra từng lĩnh vực cụ thể giúp người dân phản ánh đúng nơi, đúng chỗ, đồng thời hạn chế bị tắc, nghẽn đường dây nóng.
Các đơn vị vận tải cam kết đáp ứng nhu cầu vận tải trong dịp Tết. Ảnh: Đ.Loan |
Một điểm mới khác là năm nay lãnh đạo các cục, vụ trực tiếp cầm đường dây nóng. "Việc này giúp đơn vị ở trung ương tiếp nhận, yêu cầu cơ quan giao thông cấp tỉnh xử lý phản ánh của người dân nhanh hơn so với để chuyên viên trực đường dây nóng như trước đây", ông Thái nói.
Theo ông Thái, các năm trước, đường dây nóng hoạt động khá hiệu quả, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý hàng chục tin nhắn tố giác của người dân về tình trạng xe nhồi nhét khách, thu phí cao trái quy định... Dịp cao điểm Tết năm nay, tình hình an toàn giao thông được dự báo sẽ diễn ra phức tạp, khi lượng phương tiện tăng gấp đôi ngày thường, khả năng ùn tắc giao thông diễn ra trên nhiều tuyến đường.
Cùng với các đường dây nóng do Ủy ban An toàn giao thông công bố, toàn bộ Ban an toàn giao thông cấp tỉnh cũng sẽ có đường dây nóng, tiếp nhận thông tin của người dân.
Ông Vũ Ngọc Lăng (Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, bên cạnh đường dây nóng đặt tại tổng cục, cơ quan này còn có 104 số điện thoại (hoạt động 24/24) của các cơ quan, đơn vị đóng khắp các tuyến đường trên địa bàn cả nước. Qua hệ thống điện thoại này, Tổng cục Đường bộ VN sẽ kịp thời phát hiện bất cập, phát sinh trong tổ chức giao thông; tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các tuyến quốc lộ; hệ thống biển báo, tín hiệu, các điểm mất an toàn... để kịp thời điều chỉnh, phục vụ nhân dân đi lại trong dịp lễ, Tết.
Cục Cảnh sát giao thông có số điện thoại 06942608 để tiếp nhận các thông tin người dân phản ảnh tình trạng nhà xe nhồi nhét, chèn ép khách. Ngoài ra, 63 Phòng cảnh sát giao thông tỉnh, thành đều có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân.
Để đường dây nóng hoạt động hiệu quả, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia khuyến cáo người dân khi phản ánh thông tin phải khách quan, trung thực, kịp thời và chính xác; nghiêm cấm các hành vi phá rối, cung cấp thông tin sai lệch. Khi phản ánh ưu tiên nhắn tin, nêu cụ thể thông tin như: thời gian, địa điểm, tên đơn vị kinh doanh vận tải, tổ chức, cá nhân, biển kiểm soát phương tiện và hành vi vi phạm. |
Theo Anh Duy (VnExpress.net)