Lãnh đạo 3 bệnh viện lớn nhất Hà Nội lên tiếng vụ chặn xe cứu thương

12/07/2016 10:13:00

Dư luận mấy ngày nay sôi sục về câu chuyện xe cứu thương bị bảo vệ chặn lại ở Bệnh viện Nhi Trung ương và nghi vấn “độc quyền xe cấp cứu”. Lãnh đạo 3 bệnh viện lớn nhất Hà Nội là Việt Đức, Bạch Mai và Nhi Trung ương đã lên tiếng về vấn đề này.

 
Dư luận mấy ngày nay sôi sục về câu chuyện xe cứu thương bị bảo vệ chặn lại ở Bệnh viện Nhi Trung ương và nghi vấn “độc quyền xe cấp cứu”. Lãnh đạo 3 bệnh viện lớn nhất Hà Nội là Việt Đức, Bạch Mai và Nhi Trung ương đã lên tiếng về vấn đề này.

Liên quan đến câu chuyện bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương gây xôn xao dư luận, trưa 11/7, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có buổi làm việc cùng Cục Quản lí khám chữa bệnh.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, hợp đồng bảo vệ với Công ty AZ sẽ hết hiệu lực trong tháng 7 này và bệnh viện sẽ chấm dứt hợp đồng với công ty này. Bệnh viện sẽ thông báo rộng rãi việc tìm công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ mới. Điều này có nghĩa bất cứ công ty nào (kể cả AZ) cũng có cơ hội nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà bệnh viện đưa ra.

 2 trong số 3 bảo vệ chặn xe cứu thương bị đuổi việc.
2 trong số 3 bảo vệ chặn xe cứu thương bị đuổi việc.

TS Hải cũng chia sẻ, sự việc này là bài học cho bệnh viện trong việc tăng cường giám sát hoạt động của các bộ phận tại bệnh viện. “Trong thời gian tới, dù có tiếp tục hợp đồng thuê bảo vệ với công ty AZ tiếp tục hay ký hợp đồng với bất cứ công ty bảo vệ khác, chúng tôi cũng sẽ phải giám sát sát sao. Bệnh viện sẽ cắt cử nhân viên phòng hành chính quản trị của bệnh viện để giám sát việc này, không để xảy ra những sự việc tương tự như trên”, TS Hải cam kết.

Về vấn đề “quản” bảo vệ tại bệnh viện, một đại diện Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngay sau sự việc bảo vệ chặn xe cấp cứu tại BV Nhi Trung ương, BV Việt Đức cũng đã giao Phòng Hành chính làm việc ngay với bảo vệ, xem lại quy trình có gì chưa ổn thì chấn chỉnh lại.

“Hệ thống bảo vệ chúng tôi thuê 100% và có những quy định cụ thể với công ty đối tác. Trong trường hợp phát hiện bảo vệ làm sai, Công ty bảo vệ sẽ căn cứ vào hành vi phạt tiền, đuổi việc, tuỳ thuộc mức độ vi phạm mà xử lí. Chúng tôi kiểm soát đội ngũ bảo vệ, nhân viên qua công ty chứ không thể thể kiểm soát từng cá nhân”, vị đại diện này nói.

Không thể cứ gắn mác cứu thương là được vào viện

Về hoạt động của xe cứu thương, một cán bộ BV Việt Đức chia sẻ với phóng viên Dân trí, để quản xe cứu thương cần có những quy định cụ thể chứ không phải cứ gắn mác cứu thương là được tự do ra vào bệnh viện.

“Với xe cứu thương vào viện, bất cứ xe nào có bệnh nhân bên trong là được chở thẳng vào sảnh Khoa Cấp cứu. Nhưng khi đón bệnh nhân, chỉ các xe có giấy phép lưu hành, hợp pháp và được người nhà bệnh nhân xác nhận giấy ra viện, thuê dịch vụ xe chở về thì bảo vệ mới cho vào sân đón bệnh nhân. Xe được phép dừng đón bệnh nhân trong vòng 5 phút, khi ra không phải mất bất cứ khoản tiền nào (quy định được treo công khai). Chủ trương của chúng tôi là vậy, nhưng thực hiện đôi khi vẫn chưa được trọn vẹn”, cán bộ này cho biết.

Với những xe cứu thương "dù", không xuất trình được giấy tờ, không chứng minh được việc vào viện để đón bệnh nhân sẽ không được vào.

“Chúng tôi đưa ra quy định này để tránh những tình huống xe cứu thương các tỉnh khi chở bệnh nhân lên các bệnh viện Hà Nội, khi quay về lại “tạt té” đến các bệnh viện, móc nối tìm cách “vợt” bệnh nhân. Chắc chắn những trường hợp này không được phép vào trong sân, không được phép chờ đón người bởi bệnh viện không có chỗ đỗ xe. Lúc này, xe buộc phải đi ra ngoài, chỉ khi nào có xác nhận của người nhà bệnh nhân thuê xe chở về mới được vào đón, với thời gian không quá 5 phút”, cán bộ này khẳng định.

Sân chờ đón tại BV Việt Đức rất chật hẹp. Ảnh: Tú Anh
Sân chờ đón tại BV Việt Đức rất chật hẹp. Ảnh: Tú Anh

Theo lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, hiện bệnh viện có 10 xe cứu thương, ngoài ra bệnh viện hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển với bảng giá công khai và họ cũng chỉ được phép đỗ 2 xe cấp cứu tại BV, khi cần sẽ điều động bởi khuôn viên bệnh viện không có chỗ đỗ xe.

Cùng quan điểm, một cán bộ Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, với xe cứu thương, nếu không có hợp đồng chuyển bệnh nhân thì không thể tùy tiện vào bệnh viện, không thể để tình trạng xe cứu thương đi lòng vòng bắt khách ngay trong bệnh viện. Còn nếu có hợp đồng vận chuyển với người nhà, người nhà đảm bảo gọi xe, kí xác nhận xe sẽ được vào đón bệnh nhân.

Tại buổi làm việc giữa Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trưa 11/7, PGS.TS Khu Thị Khánh Dung – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ trách các vấn đề an ninh nội bộ bệnh viện cho biết, trong thời gian sớm nhất, bệnh viện sẽ công khai các tiêu chí cụ thể về tuyển đơn vị thực hiện dịch vụ đưa đón bệnh nhân trên trên mạng Internet nội bộ của bệnh viện. Đơn vị nào có khả năng đáp ứng sẽ được tuyển và làm dịch vụ phục vụ người dân.

Sau sự việc bảo vệ chặn xe cứu thương tại BV Nhi Trung ương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Nhi có những động thái kiên quyết với các công ty cung cấp dịch vụ như công ty bảo vệ; công ty taxi… yêu cầu các đơn vị này phải làm đúng, có trách nhiệm, không được để xảy ra sai sót, tránh gây bức xúc cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê làm việc tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Tú Anh
PGS.TS Lương Ngọc Khuê làm việc tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Tú Anh

Bệnh viện cần làm rõ trách nhiệm của các phòng, ban liên quan trong vụ việc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời việc triển khai các hình thức cung cấp dịch vụ trong bệnh viện như xe cấp cứu, xe taxi... phải công khai, minh bạch về giá cả.

“Để xảy ra sự cố đáng tiếc, không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương xin lỗi người bệnh, người nhà bệnh nhân mà công ty bảo vệ AZ cũng phải chịu trách nhiệm, phải công khai xin lỗi vì đã làm cho người dân búc xúc về bệnh viện, về ngành y”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

Theo Hồng Hải - Tuấn Hợp (Dân Trí)

Nổi bật