Làng xếp hàng... hứng sóng điện thoại

22/04/2016 07:13:44

Không có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại, đường giao thông và trạm y tế nên người dân làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) gần như bị cô lập với bên ngoài.

Không có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại, đường giao thông và trạm y tế nên người dân làng Canh Tiến, xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) gần như bị cô lập với bên ngoài. Để tháo gỡ khó khăn, cả làng phải cùng nhau xẻ núi mở đường, bỏ tiền túi mua máy phát điện với mong muốn cuộc sống thay đổi.

Trò chuyện với chúng tôi,  ông Phạm Đình Ngọc ở làng Canh Tiến trăn trở: “Người dân ở đây chỉ trồng được 1 vụ lúa đông xuân vì thiếu nước tưới, chủ yếu là hứng nước mưa để làm, có mùa không đủ ăn. Còn việc phát quang trồng keo bán gỗ thì cứ như làm mướn cho họ, vì giao thông không thuận lợi, bán chẳng ai thèm mua”.

Những chiếc ti vi của người dân Canh Tiến bám đầy bụi vì rất ít được sử dụng. ảnh: D.T


"Nếu 1ha keo dưới xuôi thương lái thu mua được 50 triệu đồng thì tại làng họ chỉ trả khoảng 15 triệu đồng. Thậm chí, nhiều lúc họ o ép chỉ còn 7 triệu đồng/ha mà người trồng phải nài nỉ mới bán được keo. Vậy thì làm sao mà giàu được. Dân chúng tôi ở đây khá lắm cũng chỉ thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày”.

Ông Phạm Đình Ngọc
Ở Canh Tiến có một chuyện bi hài, đó là mọi người phải tranh nhau xếp hàng tại khoảnh đất Suối Chùa rộng chừng 1m2 để hứng sóng điện thoại. Bởi đây là nơi duy nhất trong làng kết nối được với sóng điện thoại, nhưng chỉ 1 người được phép sử dụng sóng/lượt nên ai muốn gọi thì phải xếp hàng. Vì thế làng Canh Tiến lập ra quy định ai đến trước dùng trước, chỉ ưu tiên nhường cho người có việc nguy cấp như gia đình có người ốm đau, bệnh tật... Giao thông không thuận lợi nên từ làng Canh Tiến muốn đến trung tâm xã Canh Liên phải mất gần 1 ngày đi bộ vượt núi (không đi được xe máy). Vì vậy rất hiếm khi người trong làng đặt chân đến trung tâm xã trừ khi thực sự cần thiết. Năm 2000, Canh Tiến được Nhà nước hỗ trợ máy phát điện, đến nay, làng đã đổi gần 10 chiếc máy với mã lực lớn hơn nhưng vẫn chỉ phục vụ thắp sáng cho khoảng 70 hộ dân, trong khi ngôi làng này có hơn 120 hộ. Điều này dẫn tới tình trạng quá tải, khiến máy hư hỏng triền miên.

Hy vọng đổi đời

Để thoát khỏi cảnh cô lập, tháng 4.2014, hàng trăm người dân làng Canh Tiến mang cuốc, xẻng và ngủ tại rừng để xẻ núi mở đường lưu thông đến xã Nhơn Tân (TX.An Nhơn). Sau gần 3 tháng ròng rã ăn bờ, ngủ bụi, đoạn đường mới hoàn thành, giúp người dân rút ngắn thời gian và có thể di chuyển bằng xe máy. Theo anh Phạm Long - Phó làng Canh Tiến, hiện tại làng có 127 hộ dân, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn như không có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại, trạm y tế...

“Để xóa bỏ tình trạng cô lập, người dân trong làng đã mở đường từ làng đến xã Nhơn Tân dài gần 25km. Nhờ con đường này, bà con dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với bên ngoài và buôn bán, trao đổi hàng hóa. Ngoài việc làm rẫy, giờ đây các hộ dân còn nhận quản lý và bảo vệ 2.200ha rừng tự nhiên tại khu vực Canh Tiến. Vì vậy, bà con trong làng vừa có thêm thu nhập vừa giữ được lá phổi xanh của núi rừng. Điều vui mừng là nghe nói trong tháng 4 này, làng Canh Tiến sẽ được phủ sóng điện thoại nên người dân đang ngập tràn hy vọng” - anh Long chia sẻ.

Theo Tuấn Dũ (Dân Việt)