Vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm (cạnh Nhà văn hóa Thanh niên) và Công viên Bách Tùng Diệp được thí điểm mô hình Phố bán hàng rong, có quản lý.
Quận đang bước vào giai đoạn duy trì trật tự vỉa hè một cách bền vững, trong đó quan trọng nhất là tổ chức lại cuộc sống cho người lao động.
Với các hộ kinh doanh ở mặt đường, quận 1 tuyên truyền vận động và xử lý nghiêm nếu tái phạm. "Trăn trở nhất là đối với những người bán hàng rong, nguồn thu từ việc buôn bán trên vỉa hè là cuộc sống của họ. Do đó quận phối hợp với sở ngành đề xuất xây dựng mô hình Phố hàng rong", ông Thuận nói.
|
Phối cảnh phố hàng rong trên vỉa hè theo đề án của UBND quận 1. |
Quận 1 đề xuất 3 khu vực thí điểm gồm: đường Nguyễn Văn Chiêm (dài 40 m, dành cho 20 hộ kinh doanh từ 6 đến 9h và 11-13h ); Công viên Bách Tùng Diệp (dài 30 m, bố trí cho 15 hộ với thời gian kinh doanh từ 6 đến 9h) và đường Chu Mạnh Trinh (dài 120 m, bố trí cho 35 hộ kinh doanh).
Quận sẽ không thu phí, đồng thời tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, tập huấn kỹ năng buôn bán, phân loại rác tại nguồn cho các hộ kinh doanh. Các hộ chủ yếu bán thực phẩm, khuyến khích đồ ăn được sơ chế tại nhà. Ngoài ra, quận đang rà soát các tuyến đường khác có chiều rộng vỉa hè trên 3 m để bố trí khu kinh doanh trên cho người nghèo.
Bàn ghế sẽ được đơn vị tài trợ trang bị theo mẫu thống nhất đảm bảo mỹ quan, để tập trung một khu vực để khách dùng chung nhằm khai thác tối đa diện tích.
Sau khi nghe quận 1 báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đồng ý thí điểm ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp. Kết quả tốt sẽ triển khai thêm. Riêng ở đường Nguyễn Văn Chiêm, chỉ cho khách mua mang về để tăng số hộ kinh doanh, giúp người mua có nhiều lựa chọn.
Theo ông Tuyến, việc kinh doanh trên vỉa hè chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài vỉa hè là dành cho giao thông. Trong bối cảnh hiện nay thành phố phải chấp nhận hình thức quá độ, dành một phần vỉa hè làm nơi kinh doanh cho người dân.
"Ẩm thực vỉa hè là nét đặc sắc của thành phố, mình có thể chọn bà con kinh doanh có thương hiệu để đưa vào những nơi kinh doanh của thành phố", ông Tuyến nói và nhấn mạnh chấn chỉnh vỉa hè là việc phải làm, nhưng phải sắp xếp được đời sống của người dân.
Về đề án tổ chức Phố đi bộ ở khu phố Tây Bùi Viện, ông Tuyến đề nghị quận 1 và các sở liên quan cố gắng thực hiện trước 30/4. Quận cần tuyên truyền cho bà con hiểu, nếu có Phố đi bộ thì doanh thu của các hộ sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Tuyến gợi ý có thể chọn tối 2 ngày cuối tuần cho ngưng hoạt động giao thông để người đi bộ vào. Sở Giao thông Vận tải sẽ có bảng báo, rồi thông tin để mọi người trong khu vực được biết.
"Các cơ quan chức năng phải đóng góp nhiều ý tưởng cho hoạt động của phố này thêm sinh động. Cần có những hoạt động nghệ thuật đường phố như biểu diễn Violon, Flamenco… thay thế cho những tiếng ồn chỉ phục vụ cho một vài người", Phó chủ tịch UBND thành phố gợi ý.
Theo Trung Sơn (VnExpress.net)