Vắng lặng ngày khai ấn
Ngày 14 tháng Giêng các năm trước, tại thành phố Nam Định thường không thuê nổi phòng nghỉ, đặt được quán ăn vì lượng người đổ về dự lễ khai ấn ùn ùn. Từ trưa ngày 14, khắp các ngả đường đổ về đền Trần Nam Định (đặt tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) đã bắt đầu đông nghịt. Ước tính của Ban Quản lý di tích Đền Trần, chùa Tháp cho biết, từ ngay sau Tết âm lịch, mỗi ngày có hàng nghìn người đến đền Trần đi lễ đầu năm.
Riêng trong ngày 14 tháng Giêng các năm trước có khoảng 2 đến 3 vạn người đổ về khu vực đền Trần. Vào thời điểm khai ấn (12 giờ đêm ngày 14 tháng Giêng), số người có mặt tại đây lên tới 5-6 vạn người.
Năm nay, từ trước Tết Nguyên đán, UBND thành phố Nam Định đã thông báo sẽ dừng tổ chức lễ khai ấn đền Trần năm 2021 để phòng chống dịch COVID-19.
Có mặt tại khu vực đền Trần trong những ngày đầu năm, phóng viên Tiền Phong ghi nhận do lo lắng về dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cộng với công tác thông tin, tuyên truyền của thành phố Nam Định được làm khá tốt nên không khí tại đền Trần Nam Định năm nay rất vắng vẻ. Những người đi lễ đầu năm đều tranh thủ, nhanh chóng hoàn thành khoá lễ để về và đều khử khuẩn, đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách với người khác.
Theo một bô lão địa phương, suốt hơn 30 năm qua, kể từ lúc lễ hội đền Trần còn mang tính địa phương làng xã thì đây là năm ông chứng kiến đền Trần vắng nhất trong dịp đầu năm nói chung và trong ngày khai ấn nói riêng.
Đến tận chiều nay, 25/2 (tức ngày 14 tháng Giêng, ngày diễn ra lễ khai ấn), đền Trần Nam Định vẫn rất vắng.
Theo bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định, do mức độ chỉ dừng lễ khai ấn chứ không đóng cửa các đình chùa nên thành phố vẫn xây dựng phương án đề phòng tình huống đột biến, lượng người đổ về đông bằng cách đóng cổng chính vào đền Trần, chỉ để lối đi phụ và lập nhiều vòng chốt kiểm soát tình hình.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít người tìm đến đền Trần. Cả bãi gửi xe ở khu vực đường Trần Thừa giáp với cửa đền chỉ có vài chục chiếc xe. Tổng lượng người đến đền trong ngày chỉ vài trăm người và đều tự giác đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào cổng đền nên nhân viên ở 2 chốt kiểm dịch cuối cùng ở cổng đền khá nhàn nhã.
Một số hộ bán hàng vẫn dọn hàng nước, hàng cây cảnh, đồ kỷ niệm ở dọc đường Trần Thừa nhưng hầu như không có khách ghé vào nên đến chiều, một số hộ đã đóng cửa, dọn hàng.
Đại diện công an thành phố Nam Định cho biết đơn vị này vẫn thực hiện lệnh trực 100% quân số như mọi năm, Công an tỉnh Nam Định bố trí lực lượng tổng số khoảng gần 500 người, lập nhiều vòng chốt để đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện các biện pháp kiểm dịch, phòng chống COVID-19 ở khu vực đền Trần.
Tuy nhiên, cũng như các lực lượng khác, năm nay các đơn vị công an khá nhàn nhã vì lượng người đến đền Trần rất vắng. Đến tận chiều tối ngày khai ấn, hầu như chưa có tình huống đông người nào xảy ra tại khu vực đền Trần.
Phát ấn đền Trần theo cách đặc biệt
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Trần, chùa Tháp cho biết, dù dừng tổ chức lễ khai ấn, nhưng thành phố Nam Định vẫn cho phép thủ nhang và các bô lão địa phương thực hiện những nghi lễ chính trong cúng tế đầu năm tại đền Trần.
"Tuy nhiên, việc thực hiện các nghi lễ sẽ chỉ diễn ra trong nội tự và chỉ có đại diện cộng đồng tham dự với điều kiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch. Lực lượng chức năng sẽ bảo vệ chặt chẽ, không để những người không liên quan vào đền", ông Bình thông tin.
Về vấn đề được nhiều người quan tâm là năm nay, đền Trần có phát ấn không, nếu có thì phát ấn như thế nào, ông Bình cho biết: "Việc này thành phố và Ban quản lý giao cho nhà đền quyết định. Thể theo nguyện vọng của nhiều người, tôi được biết nhà đền vẫn sẽ phát ấn, nhưng thể thức phát ấn khác với mọi năm để đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19".
Theo đó, các đơn vị muốn mua, xin ấn với số lượng lớn phải đặt trước với nhà đền từ trước ngày khai ấn, sau đó sẽ cử người đến lấy.
Từ sáng ngày mai, 26/2 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch), việc phát ấn sẽ tuyệt đối không diễn ra trong khu vực nhà Giải vũ hay nội tự. Nhà đền sẽ bố trí khu vực xếp hàng ở khu vườn rộng vài chục ha nằm cạnh đền Trần để phát ấn cho người dân, khác thập phương có nhu cầu xin ấn đền Trần. Tất cả những người muốn xin ấn sẽ phải chấp hành các quy định phòng dịch và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu trên 2m khi vào xếp hàng xin ấn. Sẽ có lực lượng an ninh hỗ trợ nhà đền thực hiện các quy định này.
"Ngoài ra, những người ở xa muốn xin ấn đền Trần có thể liên hệ với nhà đền để chúng tôi gửi ấn qua đường bưu điện", một bô lão họ Trần thông tin thêm.
Dưới đây là những hình ảnh Tiền Phong ghi nhận tại đền Trần năm nay:
Liên quan đến lễ khai ấn đền Trần diễn ra vào dịp đầu năm, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định dừng tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình (tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đến ngày 8/2, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục ra chỉ đạo đóng của các đình chùa, cơ sở tôn giáo để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Tại Hà Nam, UBND tỉnh này cũng đã ra quyết định dừng tổ chức lễ phát lương tại đền Trần Thương ( tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vào đêm 25/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch) để phòng tránh dịch COVID-19.
Theo Hoàng Long (Tiền Phong)