Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn. Ảnh: Giang Huy. |
"Nếu cố ý làm oan sai thì phải xử lý hình sự chứ không phải chỉ bồi thường”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho hay nhận thấy luật về bồi thường oan sai hiện đã tương đối đủ, rõ ràng.
Trước đề nghị của ông Lịch "có nên phân cấp trách nhiệm giữa Chính phủ và địa phương để nâng cấp hiệu quả không?”, ông Hùng nói việc phân cấp đã đề cập trong Luật tổ chức chính quyền địa phương và ban hành song chưa có hiệu lực.
“Phân cấp gì thì phân cấp, cơ quan hành pháp vẫn là Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành pháp vẫn là Thủ tướng. Không phải địa phương làm sai mà chính phủ không chịu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng không cần đề cập đến luật phân cấp.
Nhận thấy quy trình đề xuất ban hành luật hiện hầu hết do Chính phủ đề xuất và “có những việc nói mãi tại diễn đàn mà Chính phủ vẫn chưa đề xuất”, ông Lịch gửi câu hỏi thứ ba tới Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng.
Nói rằng hiểu sự lo lắng của đại biểu, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho hay với quy định "rất rộng" hiện nay, đại biểu, Thường vụ, Chánh án, Viện trưởng VKS hay cơ quan tổ chức chính trị xã hội …. đều có quyền đề xuất. Và theo đó, Chính phủ cũng là một chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất luật trình Quốc hội.
“Nhưng đến nay chưa có đại biểu nào đề xuất được một dự án luật", ông Hùng nói và cho rằng đại biểu Trần Du Lịch "cũng có thể đề xuất”. Theo ông Hùng, vấn đề hiện nay là "thực hiện cho tốt" các quy định đã có, bởi "quy trình của chúng ta đã rất dân chủ".