Làm sao xác thực ngày "đèn đỏ" mà cho nghỉ 30 phút?

05/11/2015 11:46:57

Theo nghị định mới về chính sách đối với lao động nữ, từ ngày 15-11-2015, các nhân viên nữ sẽ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, mà mọi người gọi vui là ngày "đèn đỏ".

Theo nghị định mới về chính sách đối với lao động nữ, từ ngày 15-11-2015, các nhân viên nữ sẽ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, mà mọi người gọi vui là ngày "đèn đỏ".


Nghỉ 30 phút đâu có hết mệt

Chị Hoàng Bảo Châu - nhân viên công ty Imarket VN cho rằng nếu chỉ cho nghỉ 30 phút thì cũng không có tác dụng.

Lao động nữ sẽ được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh - Ảnh: Tuổi Trẻ.


“Bởi vì còn phải phụ thuộc rất nhiều vào tính chất của mỗi công việc. Tôi làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng. Đặt trường hợp khách hàng cần liên lạc với mình trong lúc mình đang được nghỉ 30 phút đó thì sao, đâu thể không tiếp được? Còn với những người phải làm hết công việc trong ngày mới được về thì áp dụng ra sao? Tôi nghĩ nếu đã đưa ra quy định đó thì nên cho nghỉ hẳn một ngày tự chọn trong tháng sẽ linh động hơn”, chị Châu nêu ý kiến.

Một nữ giáo viên (TP.HCM) nhận định: Đối với giáo viên, quy định này là không thể áp dụng. Không thể cắt số tiết học của học sinh để nghỉ được.

“Việc này là không khả thi. Nghỉ có 30 phút cũng không thể khỏe lên được mà công việc thì vẫn phải hoàn thành. Nhiều phụ nữ rất ngại chuyện tế nhị này nên cũng không thể xin nghỉ chỉ 30 phút với lý do như vậy được”, giáo viên này nói.

Trong khi đó, chị Huỳnh Ngọc Phương Loan - nhân viên một cửa hàng tiện lợi (Q.3, TP.HCM) tán thành với việc kêu gọi xã hội thông cảm cho phụ nữ, tuy vậy chị thấy quy định này thật bất cập.
 
Làm sao xác thực?

Theo chị Loan, lao động nữ muốn chứng minh mình đang tới chu kỳ để được cho nghỉ cũng không biết phải làm thế nào. Người quản lý không có cách nào xác minh được sự thật. Nếu chỉ dựa vào lòng tin lẫn nhau thì khó cho cả đôi bên.

Theo nhiều doanh nghiệp, họ sẵn sàng chấp hành những chính sách chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ. Tuy nhiên, với quy định này, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.

Một chủ doanh nghiệp (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng doanh nghiệp thậm chí có thể cho người lao động nữ nghỉ hẳn một ngày trong thời gian hành kinh.

“Đây là việc có ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả công việc. Vấn đề là các doanh nghiệp phải dựa rất nhiều vào tính tự giác của nhân viên. Không giống như bệnh, lao động nữ không thể đến bệnh viện chứng minh được. Vậy thì doanh nghiệp làm sao biết được nhân viên có đang sử dụng số giờ nghỉ đó đúng mục đích hay không? Chuyện chăm sóc sức khỏe cho nhân viên nữ là điều hiển nhiên. Tuy vậy cần có những chính sách hợp lý hơn. Có thể cho nhân viên nghỉ một ngày bất kỳ trong tháng chẳng hạn”, vị này nhận định.

Ở một chiều hướng khác, chị Nguyễn Thị Trà Vi - nhân viên bộ phận nhân sự của công ty Imarket VN đặt vấn đề về sự công bằng giữa các nhân viên nữ.

“Mỗi người có cơ địa khác nhau, có người hành kinh trong nhiều ngày, có người lại ít hơn. Cho người này nghỉ 30 phút trong vòng ba ngày nhưng lại cho người kia những năm ngày thì cũng có thể nảy sinh mâu thuẫn. Nếu luật chỉ quy định là tối thiểu ba ngày thì không rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác minh cho doanh nghiệp”, chị Vi cho hay.

Chị Chung Thị Mỹ Duyên - giám đốc một doanh nghiệp vận chuyển ở TP.HCM cho rằng phải tùy vào mỗi đối tượng doanh nghiệp và hình thức công việc để có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

“Đúng là sẽ có nhiều phiền phức thật, nhưng nếu chủ và nhân viên có sự linh động, thấu hiểu và cảm thông cho nhau thì cũng không sao”, chị Duyên cho biết.

Bàn về vấn đề liệu quy định trên có làm các doanh nghiệp e dè hơn trong việc tuyển nhân viên nữ, chị Duyên cho rằng họ sẽ không ngại điều này “vì có những công việc đặc thù mà người lao động nữ làm tốt hơn nam”.
Quy định luôn cần rạch ròi, minh bạch

ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho rằng phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt dễ bực bội, cáu gắt, vấn đề sức khỏe và chất lượng công việc cũng không được đảm bảo.

Bà Hoa phân tích: “Nhiều chị em phụ nữ còn bị đau bụng, đau lưng, đôi khi là nhức đầu, buồn nôn. Việc đó có thể gây ảnh hưởng rất nhiều tới công việc. Tuy nhiên các chị em lại có tâm lý ngại, không chịu nói ra với sếp hoặc các đồng nghiệp nam, đặc biệt là đối với người còn độc thân. Vì vậy cần phải tạo một môi trường làm việc thoải mái và thấu hiểu hơn để người lao động nữ không thấy ngại khi chia sẻ về những điều tế nhị nhưng lại có ảnh hưởng đến công việc chung”.

Theo ThS Minh Hoa, quy định về chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ như vậy là có ý tốt, giúp tạo được môi trường làm việc thoải mái cho người phụ nữ. Tuy vậy, cần chú ý làm thế nào để người lao động cảm thấy thoải mái khi bày tỏ vấn đề của mình cho nhà quản lý.

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch hội luật gia TP.HCM - cho rằng nên tạo điều kiện thuận lợi để điều luật này được các doanh nghiệp thực thi đúng.

“Mỗi doanh nghiệp nên có bộ phận chấm công là nữ để theo dõi tình hình sức khỏe của chị em, phải biết cách tự tổ chức, linh động điều chỉnh cơ cấu làm việc”, LS Hậu nói.

LS Hậu cho rằng điểm bất cập của quy định này là còn dựa nhiều vào tính chất thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, quy định cần có sự rạch ròi để đảm bảo công bằng, minh bạch với mọi lao động nữ.

Thỏa thuận thời gian nghỉ

Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách đối với lao động nữ, phụ nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là ba ngày trong tháng. Trong thời gian nghỉ, người lao động vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Nghị định sẽ thực thi từ 15-11-2015.

>> Lao động nữ nghỉ 30 phút ngày "đèn đỏ": Vui hay lo?
>> Ngày "đèn đỏ" chị em được nghỉ làm việc thêm 30 phút

Theo Đặng Tươi - Mai Nguyễn (Tuổi Trẻ)