HĐND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố.
Với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước do các cơ quan, đơn vị bố trí, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội là chủ sở hữu thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2.
Đối với nhóm nhà ở còn lại, diện tích bình quân tối thiểu là 20m2 thì công dân đi thuê, mượn, ở nhờ mới được giải quyết đăng ký thường trú.
HĐND TP Hà Nội cho biết, diện tích nhà ở tối thiểu như trên là diện tích được tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 62 quy định chi tiết về Luật Cư trú 2020 thể hiện, trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của UBND cấp xã, huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về điều kiện đăng ký thường trú, tại Khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định “Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 22/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc Hà Nội đưa ra điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu là 20 m2 khi đăng ký thường trú cao hơn so với quy định chung của Luật Cư trú (8 m2) là không sai.
Theo ông Hòa, Luật Thủ đô cũng đã mở cho Hà Nội có quy định riêng về quản lý dân cư để hạn chế việc di dân tự phát vào nội thành. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương thì HĐND TP Hà Nội xây dựng quy định về điều kiện đăng ký thường trú cũng là đúng quy định.
“Hiện nay dân số của Hà Nội quá đông rồi, đường phố thường xuyên ùn tắc, hạ tầng đô thị quá tải. Bởi vậy, Hà Nội xây dựng chính sách hạn chế di dân tự phát vào nội thành là cần thiết. Chúng ta cần chia sẻ với thủ đô về vấn đề này” - ĐB Hòa nói.
Tuy nhiên, ĐB Hòa cũng lưu ý đây là quy định được đông đảo người dân quan tâm. Do vậy, Hà Nội cũng cần phải đánh giá kỹ “tác động của quy định là như thế nào”. Đặc biệt cần làm rõ căn cứ, cơ sở nào để TP đưa ra điều kiện đăng ký thường trú đối với người ở nhà thuê, mượn, ở nhờ lên tới 20 m2, cao hơn nhiều so với mức 8 m2 mà Luật Cư trú đưa ra.
Liên quan đến nội dung này, ThS-luật sư (LS) Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An (Đoàn LS TP Hà Nội), cho hay một điểm mới rất quan trọng của Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2021) được người dân quan tâm là “bỏ điều kiện riêng khi nhập hộ khẩu vào các TP trực thuộc trung ương như Hà Nội”.
Tuy nhiên, theo LS Hảo, việc Hà Nội có quy định về diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú tại Hà Nội đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân là cần thiết. Do hiện nay nhu cầu đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân ngày càng gia tăng. Đồng thời, tránh tình trạng nhà ở có nhiều hộ, nhiều người có chung hộ khẩu tại địa chỉ, dẫn đến diện tích ở chật hẹp, không đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cơ sở hạ tầng tại địa phương.
“Việc dự thảo diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là 20 m2 sàn/người cao so với thực tế điều kiện sống của người dân lao động nhập cư vào Hà Nội” - LS Hảo nói và cho rằng Hà Nội cần xem xét quy định theo hướng tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú.
NT (Nguoiduatin.vn)