Bà Huỳnh Thị Lành (ngụ thôn Lương Cách, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải) cho biết khi dự án nâng cấp, mở rộng QL1 thi công khoảng 7-8 tháng, nhà của bà bắt đầu có hiện tượng nứt vách. Những vết nứt ngày càng nhiều hơn, theo tiến độ thi công của dự án. Đến tháng 5-2015, khi việc nâng cấp tuyến QL1 qua tỉnh Ninh Thuận hoàn thành thì tường nhà bà Lành nứt chằng chịt… như mạng nhện. "Nứt như vầy sao sửa cho nổi. Chỉ có đập, xây mới thôi…" - bà Lành than thở.
Cạnh nhà bà Lành là nhà ông Trương Văn Trị, cũng bị hư hỏng nặng, tường nứt toác đút lọt cả bàn tay, chạy từ mái xuống nền. Ông Trị lo lắng: "Không biết nhà sập lúc nào. Tôi đã nhiều lần gửi đơn lên tỉnh, đề nghị bồi thường nhưng có được gì đâu". Lo sợ nhà sập nguy hiểm tính mạng, nên gần 2 năm qua, gia đình ông Trị phải chuyển lên rẫy ở tạm trong chòi.
Những ngày qua, gia đình bà Lê Thị Liên (ngụ thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải) rất khổ sở vì mỗi khi trời mưa, nước từ mái nhà theo đường vách nứt tuôn vào nhà xối xả. "Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn kể từ lúc sửa chữa QL1. Có nhiều đoàn công tác của tỉnh xuống ghi nhận tình hình thiệt hại nhưng đến nay không thấy bồi thường gì" - bà Liên than phiền.
Theo phản ánh của người dân, việc thi công nâng cấp, mở rộng QL1 với mỗi ngày có hàng chục xe lu, xe đầm hoạt động liên tục làm cho nền đất bị chấn động mạnh, dần dần sụt lún, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa của họ.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Ninh Thuận, dự án nâng cấp mở rộng QL1, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận, được thực hiện từ 2 nguồn vốn là trái phiếu Chính phủ (giai đoạn 1) và hình thức BOT (giai đoạn 2). Kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho số nhà dân bị hư hỏng do ảnh hưởng thi công cũng từ 2 nguồn vốn nói trên. Quá trình thi công giai đoạn 1 có 496 căn nhà bị hư hỏng. Trong đó, từ năm 2015 đến 2017, chỉ mới có 110 hộ được bồi thường, hỗ trợ sửa chữa nhà với hơn 2,6 tỉ đồng. Số còn lại, UBND tỉnh Ninh Thuận chưa ban hành quyết định hỗ trợ.
Giai đoạn 2 do Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận làm chủ đầu tư, đi qua 11 xã, thị trấn thuộc 4 huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc với 818 hộ có nhà bị nứt vách, sụp lún. Dự kiến tiền bồi thường nhà ở cho số hộ này khoảng 8 tỉ đồng nhưng đến nay, chưa có hộ nào được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại.
Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, thừa nhận do không có kinh phí nên việc đền bù, hỗ trợ người dân bị ngưng trệ. "Hiện Quốc hội đã có ý kiến về vấn đề này và sắp tới đây, số hộ dân có nhà bị hư hỏng sẽ được nhận tiền hỗ trợ sửa chữa" - ông Tuấn thông tin.
Theo Lê Trường (Nld.com.vn)