Lạc vào thế giới cần sa “áo trắng”

23/04/2016 18:07:08

Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều, có khoảng gần chục thanh niên tuổi đời còn rất trẻ hẹn hò nhau, tụ tập tại một quán cà phê vỉa hè gần giao lộ Hoa Phượng - Trường Sa (bên hông nhà thi đấu Rạch Miễu, quận Phú Nhuận).

Làn khói thơm chết người

Qua nhiều lời giới thiệu, phóng viên tìm được một thanh niên chuyên bán cần sa tại khu vực Phú Nhuận. Sau khi hỏi sơ về giá cả của các loại mặt hàng, Trung (người bán, khoảng 20 tuổi) bất ngờ hỏi: “Chiều rảnh không? Ghé khu vui chơi trẻ em ở nhà thi đấu Rạch Miễu “bay” với tôi”? Chưa kịp hiểu chuyện gì, Trung giải thích: “Hôm nay có chuyện buồn, thấy ông hỏi mua nên tôi rủ tới chơi chung luôn cho vui. Cứ chơi thoải mái, bình thường bán 40 nghìn/điếu, nhưng riêng hôm nay miễn phí hết toàn bộ”. Nói rồi, Trung chỉ đường đi và cung cấp số điện thoại, dặn đến đường Hoa Phượng thì gọi, sẽ có người ra đón.
 

Nhóm thanh niên trẻ tuổi tụ tập mỗi chiều hút cần sa.


Khoảng 16 giờ ngày 4-4, nhóm bạn của Trung, trong đó có 2 thanh niên còn mặc nguyên áo học sinh, đi xe tay ga lần lượt xuất hiện tại điểm hẹn. Vài câu chào hỏi qua loa, nhóm này gọi nước uống rồi nhanh tay lôi từ trong cặp sách ra các hộp nhựa nhỏ, bên trong chứa cần sa hăng hắc cùng các loại giấy quấn thuốc chuyên dùng. Không ai bảo ai, các thanh niên trẻ bắt đầu cặm cụi quấn từng điếu cần sa thành hình dáng tương tự như điếu thuốc lá, ngay bên vỉa hè nhiều người qua lại.

Theo lời các thành viên của nhóm cho biết, đây là câu lạc bộ stoner (tạm dịch: phê cần sa) do Trung đứng đầu, ngày nào cũng hẹn hò tại địa điểm trên trong khoảng thời gian từ 17 giờ - 21 giờ tối. Trung với vai trò là người cung cấp cần sa, cũng trực tiếp ngồi cùng tán dóc cùng các bạn bè của mình. Trong lúc nói chuyện, điếu cần sa vừa được quấn cẩn thận chuyền từ người này sang người kia, mỗi người rít vài hơi rồi lại đưa cho người bên cạnh. Trung nói: “Ngày nào nhóm cũng ra đây chơi, giống như thói quen rồi. Ai rảnh, trốn học thì tới ngồi lâu, không rảnh thì làm vài hơi rồi đi cũng được. Mình thoải mái lắm, có mặt ở đây đều là bạn bè thân thiết hết cả”.

Cần sa - “Cần” là có

Thực tế, Trung là một đối tượng chuyên cung cấp cần sa trên địa bàn quận Phú Nhuận cho các thanh niên trẻ, mà trong đó có nhiều khách hàng là những nhóm học sinh ham chơi, lêu lổng, thích thử cảm giác lạ. Theo Trung, nếu ngày trước giới học sinh đã nghĩ ra cách hút keo chó (có tiền chất ma túy – PV) để phê, rồi sau đó đến thuốc lá, cỏ mỹ, thì bây giờ là thời của các loại cần sa. Khi được hỏi, Trung cho biết khách hàng chủ yếu còn trẻ, phần nhiều là  học sinh nên thường chỉ mua 1-2 điếu một lần để “bay”.
 

Cần sa được đầu nậu tên X. giấu vào gói thuốc, hất sang cho khách hang.


Nắm được nhu cầu, Trung chỉ bán lẻ từng điếu cần sa quấn sẵn, dù mất công giao hàng nhưng có lời hơn nhiều so với bán gói vài gram. Các thành viên trong nhóm của Trung cũng thỉnh thoảng trở thành người giao hàng cho đối tượng này để được “phê” miễn phí.

Tham khảo thêm một đối tượng khác là X. (ngụ quận 8), một đầu nậu nổi tiếng về cần sa, chúng tôi được giới thiệu khá đầy đủ về các loại cần sa mà người này sở hữu. Sau một lúc nói chuyện, X. cho biết giá mỗi điếu cần sa quấn sẵn, kích thước nhỏ là 40 nghìn, tuy nhiên chỉ bán số lượng từ 3 điếu trở lên và sẵn sàng giao hàng tận nơi cho khách.

Ngoài ra, X. còn cung cấp cần sa theo gói, gồm hai chủng loại như hàng xuất xứ từ Campuchia có giá 150 nghìn đồng/3 gram, cần sa Kush (giống cần sa xuất xứ từ Mỹ) thì có giá cao hơn, lên tới 500 nghìn đồng/1 gram. Khi được hỏi sự khác nhau của từng loại, X. trả lời: “Chưa thử à? Thử đi rồi biết. Khó nói lắm, nhưng hàng cao cấp tất nhiên phải khác xa hàng bình dân”.

Khoảng 15 giờ ngày 1-4, phóng viên liên hệ và được X. cho biết đang đi giao cần sa ở khu vực đường Nguyễn Tiểu La (quận 10). Lúc này, X. ngỏ ý sẽ ghé qua cho xem thử hàng hóa vì “dạo gần đây buôn bán ế ẩm”.

Trên chiếc xe Honda Wave BKS 54U4-45xx, X. xuất hiện tại điểm hẹn chỉ sau 20 phút. Ban đầu còn tỏ ra khá dè dặt, tuy nhiên khi thấy khách hàng có vẻ tiềm năng, X. hết ngần ngại, móc ngay trong túi xách ra 1 gói Jet và hất ra phía trước: “Tự mở ra coi hàng đi, được thì lấy luôn. Loại đó là hàng Cam (từ Campuchia), giá 150 nghìn”.

Vừa chờ đợi khách xem hàng, X. liên tục đảo mắt nhìn xung quanh để cảnh giác người lạ. Chưa đến một phút, tay đầu nậu này thò tay giật lại bịch cần sa và hỏi: “Hàng ngon đó, không mua thì thôi nhé, đứng sớ rớ ngoài đường nguy hiểm lắm. Giờ tôi đi giao hàng, cần lấy thì gọi số điện thoại khi nãy (012277xxxxx)”. Vừa dứt lời, X. rồ ga nhanh chóng mất hút về hướng quận 11.

Qua tìm hiểu của phóng viên, ngoài Trung hay X., có ít nhất cả chục đối tượng khác là đầu nậu, chuyên cung cấp các loại cần sa. Phương tiện kinh doanh của những người này chủ yếu dựa vào các trang, hội nhóm công khai bán cần sa hiện đang bủa vây mạng xã hội facebook. Chỉ cần một cú điện thoại, ngay cả một học sinh cũng dễ dàng có trong tay loại chất kích thích này.

“Tự sản tự tiêu”

Xen lẫn với các đầu nậu cung cấp cần sa là các đối tượng chuyên kiếm lời bằng cách bán các loại hạt giống, cây cần sa con tại nhiều quận huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cá biệt, nhiều thanh niên thậm chí đăng tải hình ảnh, khoe thành tích gieo trồng thành công các chậu cần sa. Tính trung bình, cây cần sa được rao bán với giá từ 150 nghìn đến cả triệu đồng tùy độ tuổi và chủng loại. Kiệt, chỉ mới sinh năm 1995, ngụ Gò Vấp liến thoắng giới thiệu: “Hạt giống cần sa đặt hàng từ Mỹ về có giá 130 nghìn/1 hạt, nếu lấy thì lấy nhanh vì tôi chỉ còn 7 hạt”.
 

Vườn cần sa của một thanh niên tên Kiệt trên địa bàn quận Gò Vấp.


Theo Kiệt, hạt giống nói trên là hàng cao cấp nên có giá khá “chua”, còn hạt cần sa xuất xứ từ Campuchia, Trung Quốc đang thịnh hành có giá bán lẻ chỉ khoảng 7-10 nghìn/hạt. “Loại giống rẻ tiền tôi cũng có, có cả cây con từ 2-3 ngày cho đến vài tháng tuổi. Tùy theo nhu cầu người mua thích cây nào thì mình giao ra cây đó”.

Sau khi báo giá 150 nghìn đồng cho một cây cần sa nhỏ nhất (2 ngày tuổi), Kiệt giải thích: “Coi vậy chứ không đắt đâu. Ông cứ thử mua hạt về gieo xem có lên nổi không. Nếu không biết cách chăm, 10 hạt giống thì giỏi lắm chỉ lên được một cây thôi. Cái loại này phải có thời gian dưỡng, như tưới nước ngày 2 lần, sáng tưới nhiều, chiều tưới ít hơn, với tỉ lệ chung là 500ml nước thì thêm 1 giọt dung dịch giảm độ PH và vài giọt oxy già y tế”. Sau một hồi huyên thuyên, Kiệt hỏi dồn: “Có lấy không để tôi biết mà đưa cây ra chậu?”.

Vũ Thái, cũng là một đối tượng bán cây cần sa cho biết: “Trồng loại này khá khó, do các giống tốt có xuất xứ châu  Âu, không thích hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam”. Tỏ ra khá sành sỏi, Thái khẳng định tự cung – tự cấp cần sa để sử dụng nên biết rõ các loại cần sa trên thị trường đa số là hàng “đểu”, kém chất lượng. “Anh nên mua cây về trồng mà hút, không chỉ phê mà còn có tác dụng chữa bệnh, giảm đau nữa. Không nên mua hàng trôi nổi ngoài thị trường vì ít kiếm được nguồn hàng tốt, bọn bán hàng có thể trộn linh tinh vào để tăng trọng lượng, kiếm lời”.

Chỉ là câu chuyện cây kim trong bọc

Chiều 23-3, Công an huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Văn Long (trú tại phường Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) để điều tra làm rõ hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
 

Điếu cần sa nhỏ có giá 40 nghìn đồng và hạt giống của một tay đầu nậu.


Theo hồ sơ vụ án, Lê Văn Long là đối tượng đầu nậu chuyên cung cấp cần sa cho các con nghiện trên địa bàn. Bán cần sa trong một thời gian dài và nhận thấy lợi nhuận khủng từ việc kinh doanh chất cấm này, Long bắt đầu nảy sinh ý định lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng và mua hạt giống về gieo trong vườn nhà. Thời điểm bị bắt, Công an huyện Điện Bàn đã phát hiện trong vườn nhà đối tượng này có 22 chậu cây cần sa, mỗi cây cao khoảng 10cm và nhiều dụng cụ san chiết cây, cân tiểu ly, 5 gói cần sa nặng hơn 600gram. Trước đó, để giấu người nhà về số cây nói trên, Long lừa gia đình nói là các loại cây kiểng.

Qua đấu tranh khai thác, Lê Văn Long khai nhận đã bắt đầu hoạt động mua bán cần sa từ năm 2015 và trồng cây cần sa từ đầu năm 2016. Trước khi bị bắt, số cây cần sa đã được Long “thu hoạch” một lần.

Chỉ cách đó một ngày, vào ngày 22-3, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Công an Thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã kiểm tra đột xuất ngôi nhà của ông Đặng Văn Thành tại số 888 thôn Tân Vượng, xã Lộc Châu và phát hiện 35 cây cần sa cao hơn 1 mét, được trồng trong các chậu cây cảnh, thùng xốp trên sân thượng.

Qua điều tra, số cây cần sa nói trên là do Đặng Anh Khoa (con trai ông Thành) mua hạt giống về trồng và giấu gia đình. Tại thời điểm kiểm tra, Khoa đã bỏ trốn khỏi địa phương nên lực lượng chức năng chưa thể làm rõ mục đích trồng cần sa trái phép của đối tượng này là gì.

Trước đó vào năm 2015, Đội Cảnh sát phòng chống ma túy của Công an Thành phố Bảo Lộc cũng đã triệt phá thành công một vụ trồng cần sa với quy mô lớn trong nhà. Từ công tác nắm địa bàn, các trinh sát đã phát hiện ngôi nhà số 39 đường Hồ Tùng Mậu có nhiều biểu hiện nghi vấn của việc trồng, buôn bán cần sa trái phép. Được biết, căn nhà nói trên do Nguyễn Thị Hằng My cùng chồng là Lê Trọng Nghĩa, ngụ tại TP Hồ Chí Minh thuê để ở nhưng có những biểu hiện, hành vi bất thường. Tiến hành kiểm tra, công an phát hiện bên trong ngôi nhà có hơn 175 cây cần sa được trồng ở khu vực phía sau, cùng 1 bao tải chứa đầy lá, nhánh cần sa được cắt tỉa cẩn thận.

Theo Nghị định 82 năm 2013 của Chính phủ, cần sa là chất ma túy bị cấm nên hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép… là vi phạm pháp luật. Tùy theo số lượng, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ nhất từ 2 đến 7 năm tù. Thậm chí, đối với người vận chuyển, tàng trữ, mua bán lá, hoa, quả cây cần sa có trọng lượng lớn hoàn toàn có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân, tử hình chiếu theo khoản 3 điều 194 của Bộ Luật Hình sự.

Theo Tiến Minh (Cảnh Sát Toàn Cầu)