"Người già trong làng nói, 70 năm nay chưa thấy trận lụt nào to như thế này. Sống tới giờ 60 tuổi, từ khi biết biết tới giờ năm nào mà không lụt, nhưng đúng là chưa năm nào dữ dằn như năm nay. Nói đâu xa, mới năm ngoái, mưa to lắm thì nước cũng chỉ ngấp nghé ngoài cươi (ngoài sân - PV), mà mấy bữa trước nó ngập trong nhà 2 mét luôn chứ!". Ngồi co trên chiếc ghế nhựa vẫn còn dấu vết của đất cát, ông Lê Thanh Luận, người dân thôn Tây, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vừa tặc lưỡi vừa kể.
"Mãi đến khi nghe tiếng thằng cu gọi 'Mệ ơi', tôi mới tin con cháu mình chưa chết"
Ôm chặt thằng cu Rô cháu nội trong lòng, bà Lê Thị Xoang chêm lời: "Bữa nớ (bữa ấy - PV), lúc chiều nước về còn mấp mé, cả nhà vội vàng dọn lúa, lấy ghế kê cao cao mấy bao lúa lên cho khỏi ẩm. Quần áo trong tủ lôi ra chất lên cao cho khỏi ướt. Lúc nớ bếp ga vẫn còn nâng lên nấu nướng được.
Ai ngờ đêm nước dâng cao, lại tìm không ra đèn pin, cả nhà tối om. 4 người nhà o (nhà cô - PV) cứ đứng trên giường vậy đó, ngâm mình trong nước, chứ chỗ mô (chỗ nào - PV) mà nằm. O với chú thay nhau bồng thằng cu chứ để nó ngâm nước nhiều tội nghiệp.
Qua bữa thứ hai thì nước cao hơn, bếp ga mắm muối, vật dụng trôi hết cả, cả nhà ngồi trong đêm bẻ mì tôm sống mà ăn. May còn có bình nước sạch giú (cất giấu - PV) trên cao để uống, không phải uống nước lũ. Đêm nớ 3 giờ sáng phải bắc cái gỗ làm kệ cho nó nằm tạm. Ba cu Rô sốt ruột cứ gọi điện về suốt, rồi gọi người này người kia nhờ cứu hộ".
Tới ngày ngập thứ ba, liên hệ được với đội cứu hộ rồi, bà Xoang mới gửi cô con gái út 22 tuổi và cu Rô đi ra xuồng nhà hai tầng ở gần đó sơ tán, còn ông bà ở nhà canh nhà, đợi nước rút còn khắc phục hậu quả.
Lúc đó là khoảng 13 giờ ngày 18/10, khi đó phần lớn nhà cửa của người dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh chìm trong nước lũ. Việc giải cứu cũng vô cùng khó khăn do nhiều đoạn nước chảy xiết, lối đi vào khu dân cư bị cây cối bao trùm.
Cháu và con gái lên xuồng rồi, chưa kịp yên tâm, bà Xoang đã nghe hàng xóm hô hoán ầm ĩ, nghe tiếng con gái la: "Mẹ ơi, cu Rô mô rồi? Rô ơi, mọi người ơi, cứu…". Nước bên ngoài chảy xiết, bên trong nhà thì ngập, không có cách nào ra ngoài xem tình hình, bà chỉ biết khóc, cứ nghĩ đã mất con, mất cháu thật rồi.
Chị Liên, con gái bà bàng hoàng kể lại: "Lúc đó nước xiết ghê lắm. Chú lái thuyền vừa đẩy thuyền đi ra, định xoay lại để chèo thì sóng trôi nhanh, xô thuyền dạt vào tường rồi lật úp xuống. Em lúc đó không có mặc áo phao, cùng với cu Rô và 4 người nữa bổ nhào xuống nước.
Em bị trôi khoảng vài trăm mét, hoảng lắm, bị ngạt nước. Em cứ nghĩ mình chết rồi. Còn cu Rô có mặc áo phao, nhưng cũng bị uống no bụng nước. Người ta nắm được áo phao của nó lôi lên, phải đè ngực ép nước ra ngoài, hô hấp nhân tạo mãi nó mới tỉnh. Rô nó lì lắm, không khóc lóc chi hết, nhưng từ bữa nớ nó im im, không nói chuyện nhiều như trước".
Bây giờ nhớ lại chuyện, bà Xoang vẫn còn run bần bật. Nước rút là cả xóm xúm vào chúc mừng nhà bà phúc lớn. Cu Rô là con của con trai lớn bà Xoang. Ở quê có lệ, con trai lớn phải mua đất cất nhà ở riêng, không ở chung với ba mẹ, nên ba cu Rô đi xuất khẩu lao động ở Nhật mấy năm nay. Ba nó đi hồi nó hơn 1 tuổi. Năm ngoái, mẹ nó cũng đi cùng. Con thứ hai của bà cũng đang ở Đà Nẵng học tiếng Nhật, chờ đến ngày đi xuất khẩu lao động. Thành ra, ở nhà có mỗi o Liên, cu Rô và hai ông bà già.
"Ba cu Rô hồi học lớp 5 cũng hút chết một lần, đi biển xong bị đuối nước, may người ta cứu được chứ không thì không có cu Rô bây giờ. Nếu thằng bé và con út bữa đó mà bị cuốn ra biển, chắc o chết chứ sống sao nổi. Bộ đội gọi điện về báo là cứu được hai o cháu rồi, đưa lên nhà cao rồi, o cũng chưa dám tin, vì chưa nghe thấy giọng nói hai đứa. Gọi điện vô số nó cũng không được vì điện thoại, đồ đạc theo người trôi hết. Mãi đến khi Liên nó mượn điện thoại gọi về nói: "Mẹ ơi, con với cu Rô sống rồi", cu Rô nó "Mệ ơi" (bà ơi - PV) một tiếng, o mới bật khóc. Mừng quá!".
"Còn da lông mọc, còn chồi lên cây"
3 ngày ngâm trong nước lụt, gia sản nhà ông Luận, bà Xoang tan tác cả. Bà cứ chép miệng tiếng mãi gần 3 tấn thóc là thành quả công sức cả năm 2 vụ dồn lại của ông bà. Ông Luận có máy cày để đi cày thuê cho bà con, bà Xoang cũng cấy trên 3 mẫu ruộng, cả năm dồn lại được nhiêu đó.
Nếu nhà không có gà, không nuôi heo mà chỉ trồng cấy như các nhà khác, có lẽ giờ đỡ xót của hơn. Người ta thu hoạch xong thì bán luôn lúa, giữ lại một ít để ăn trong năm thôi, người ta có tiền ấm túi. Còn bà Xoang cứ tiếc, muốn lấy cám bã, rồi hèm (bã rượu) để nuôi gà, nuôi heo, nên bà định để dành gạo thóc đó, tiện lúc nào thì xay. "Bao nhiêu người hỏi mà o có bán mô, nếu bán thì bộn tiền rồi. Để dành thóc đến gần Tết mới bán, mà giờ nó hư hết, gạo cho nhà ăn còn chẳng có", bà tiếc nuối.
Nắng lên, bà đổ từng bao thóc bị úng nước, lên mùi thum thủm, đa phần đã mọc mầm hết ra sân phơi. Phơi để dành nấu cháo heo, cho gà ăn thôi, chứ thóc ấy bán cũng chẳng ai mua, mà người ăn cũng không được nữa.
Ông Luận thì nhìn ra hướng chuồng gà, tiếc mãi hơn 200 con gà, có một lứa to nhất đã 2 - 3kg, chuẩn bị bán được giá rồi. Ông đã chuẩn bị khu trú lụt cho lũ gà, nhưng lũ lớn quá, không ai kịp ra mở cửa cho gà chạy lên sàn, chúng cứ ở trong chuồng rồi chết ngập trong đó. Nước rút cũng là lúc ông phải đem mấy cái thùng to ra lấy xác gà đem đi hủy, tiếc đứt ruột.
Rồi lại còn hai con heo chuẩn bị làm nái, người ta xí phần rồi, định bắt luôn nhưng chưa kịp bắt thì lụt đến. Nước xiết, cuốn trôi hai con heo cả tạ đi đâu không rõ. Tiếc tiền đã đành, ông bà còn tiếc cả cái công chăm sóc suốt một năm, "mấy con heo và gà chỉ ăn hèm với cơm thôi, không ăn bột như heo nhà khác đâu nạ, thịt thơm, chắc lắm. Không bị trôi đi thì cũng nhiều tiền lắm đó"...
Tiếc vậy, nhưng ông bà cũng chẳng than thân trách phận gì. Bà Xoang bảo, giờ nước rút là mừng rồi, họ có thể tự chủ hơn phần nào. Chứ mấy ngày lụt, cả nhà trông nhờ vào cứu trợ mì tôm, lương khô của các đoàn từ thiện để sống sót.
Giờ thì cả nhà đã đoàn tụ, ba người lớn dọn dẹp, nhặt nhạnh lại những đồ đạc chưa bị cuốn trôi, xối bùn ra khỏi nhà, dọn dẹp từng ngóc ngách bị bùn đất xộc vào. Rồi quần áo, cái nào còn dùng được thì giặt giũ, phơi lên, chứ để lâu quá nó hỏng hết. Cu Rô thì lăng xăng gần đó chơi với chú chó.
Gần như trắng tay, nhưng ông bà vẫn cứ cười, bảo nhau mong nắng lên đặng còn ổn định cuộc sống. Họ bàn nhau, khi có tiền nhất định phải làm tầng gác lửng cao hơn nữa, để nếu bị lụt, cả nhà kéo nhau lên đó ngồi. "Đồ đạc, vật nuôi cứu được cái gì thì cứu, mạng người vẫn quan trọng nhất. Có cái sàn cao, cả nhà lên đó ngồi, không phải ngủ đứng như năm nay là được, thức ăn có hay không cũng không quan trọng".
Ước mơ lớn nhất của họ cũng rất đơn giản, đó là cả nhà bình an, khỏe mạnh vượt qua thiên tai, để người lớn đi làm, trẻ con đi học bình thường. Heo gà trôi đi mất, thóc mọc mầm cả thì cũng buồn. Nhưng như lời bài ca dao về 10 quả trứng mà người miền Trung ai cũng thuộc: "Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi lên cây", họ tin rằng cứ còn người thì khắc còn của. Sự lạc quan ấy, sự mạnh mẽ ấy, có lẽ không chỉ của riêng gia đình ông Luận, bà Xoang, mà là tinh thần chung của nhiều người miền Trung trong trận "đại hồng thủy" vừa qua, như chúng ta được thấy.
Theo Đinh Huy - Phong Linh - Hoàng Việt (Trí Thức Trẻ)