Về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết kỳ thi sẽ tổ chức thi theo môn.
Theo đó, kỳ thi dự kiến gồm 11 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đây là các môn được đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018). Trong đó, một số môn bắt buộc và một số môn thí sinh lựa chọn.
Về nội dung, kỳ thi sẽ bám sát mục tiêu của chương trình mới, chủ yếu là lớp 12. Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 theo hướng tăng cường đánh giá năng lực của học sinh.
Về hình thức, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn khác thi trắc nghiệm.
Ông Chương cho biết Bộ GD-ĐT hướng thời gian tổ chức kỳ thi sẽ tập trung vào tháng 6. “Cố gắng vào khoảng cuối tháng 6, khoảng từ 20-30/6”, ông Chương nói.
Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, để đánh giá năng lực dạy và học, theo ông Chương, vẫn sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp. “Đây là một trong những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu. Hiện nay tỷ lệ là 70-30, chúng ta sẽ nghiên cứu có thể tỷ lệ là 50-50 hay có cách nào tốt hơn nữa”, ông Chương nói.
Về định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực. Hiện, trừ Ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm, chọn một trong bốn phương án.
Ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết Bộ GD-ĐT tạo đang nghiên cứu thêm một số dạng thức như 4 phương án đúng/sai, câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh.
Ông Hà nhận định mỗi dạng thức có ưu - nhược điểm, cần tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi. Ví dụ có phương thức đánh giá rất hay nhưng tăng từ 4 trang giấy lên 10 trang giấy thi thì cũng không được.
Ông Hà cho biết thêm, trong tháng 10-11 sẽ có định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025, sau đó tiến hành thử nghiệm trên một số địa phương.
Về việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, Bộ GD-ĐT chủ trương đào tạo bồi dưỡng nhóm chuyên gia cốt lõi lấy từ đội ngũ giáo viên ở các địa phương. Bộ dự kiến mời chuyên gia khảo thí Hoa kỳ cùng các chuyên gia trong nước tham gia công tác bồi dưỡng này. 63 Sở GD-ĐT sẽ có ít nhất 2 chuyên gia/môn thi được đào tạo.
Chương trình phổ thông mới (2018) được áp dụng ở bậc THPT từ năm 2022. Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình này sẽ thi tốt nghiệp. Để phù hợp với nội dung chương trình mới, kỳ thi tốt nghiệp cũng có nhiều thay đổi.
Giữa tháng 3/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác. Tuy nhiên, Bộ chưa chốt số môn thi bắt buộc.
Ngoài ra, Bộ dự kiến giai đoạn 2025-2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn do Bộ chỉ đạo chung, các địa phương trực tiếp tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.
Hiền Lê (SHTT)