Kỳ 5 loạt bài điều tra 'cò' máu: Bệnh viện thu máu của người nhà bệnh nhân trước ca mổ: Việc nhức nhối cần loại bỏ

19/10/2018 09:11:28

Theo sự phản ánh của một số người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức, khi bệnh nhân chờ mổ thì hầu hết người nhà phải hiến máu cho bệnh viện. Nhiều người còn nói rằng có “vay” thì phải có “trả”. Trước câu chuyện này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Vào thời điểm này, không có nơi nào thiếu máu"

Sau nhiều ngày ghi nhận tại nơi tiếp máu (tầng 1) của bệnh viện Việt Đức dễ nhận thấy, mỗi ngày có rất đông người nhà bệnh nhân vào đây hiến máu.

 Người tự nguyện thì ít mà phải “trả máu” cho bệnh viện thì nhiều. Không ít người đã thắc mắc, phải chăng kho máu của các bệnh viện quá thiếu, viện Huyết học Truyền máu Trung ương không cung cấp đủ máu cho các bệnh viện?

Trước những điều băn khoăn, lo lắng này từ người nhà bệnh nhân, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. Ông Phạm Tuấn Dương cũng bày tỏ nỗi buồn trước thực trạng một số bệnh viện thu máu của người nhà bệnh nhân như một sự bắt buộc. Đồng thời, cũng nhức nhối trước hiện tượng “cò” máu ngang nhiên hoạt động trước cổng một số bệnh viện lớn.

Kỳ 5 loạt bài điều tra 'cò' máu: Bệnh viện thu máu của người nhà bệnh nhân trước ca mổ: Việc nhức nhối cần loại bỏ
Ông Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

PV: Thưa ông, thời gian này tình hình kho máu tại viện Huyết học-Truyền máu Trung ương có đủ cung cấp cho các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai...?

Ông Phạm Tuấn Dương: Tình hình kho máu hiện tại bắt đầu ổn kéo dài đến tháng 12. Lượng máu hiện tại trong kho khoảng trên 14.000 đơn vị máu. Viện Huyết học-Truyền máu không thiếu máu thì các bệnh viện khác không thiếu.

PV: Vậy, ông có thể cho biết quy trình cung cấp máu từ viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đến các bệnh viện khác như thế nào?

Ông Phạm Tuấn Dương: Về nguyên tắc, bệnh viện cần máu không chỉ lúc cấp cứu mà máu cần hàng ngày, hàng giờ. Hiện nay, cả trong Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc… máu vẫn đang được viện chúng tôi chuyển trực tiếp trên đó. Có nơi hàng ngày chuyển, có nơi hai ngày chuyển hoặc cũng có thể một tuần một lần chuyển máu. Vào thời điểm này, không có nơi nào thiếu máu.

Chỉ có điều, các đơn vị phải có dự trù máu, đảm bảo máu tồn kho để sử dụng tối thiểu trong 2-3 ngày. Nếu dôi dư nhiều thì chúng tôi sẽ lấy lại để chuyển cho nơi khác đang cần, còn hết máu thì bổ sung.

Người nhà bệnh nhân cứ gọi điện cho viện Huyết học-Truyền máu theo số hotline

PV: Theo tìm hiểu, hiện nay tại một số bệnh viện, nhiều người thân của bệnh nhân họ bị thu máu, có nghĩa người nhà phải hiến máu vào kho rồi thì bệnh nhân mới được mổ, ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Tuấn Dương: Có vấn đề khác, không phải vấn đề về Y tế mà thuộc về vấn đề quản lý của các đơn vị. Có những đơn vị thậm chí họ nói máu họ đã đủ rồi nhưng họ vẫn yêu cầu lấy máu, điều này gây phiền hà đối với gia đình người bệnh.

Thực sự, chúng tôi cũng có giới hạn là cung cấp máu đến các bệnh viện, còn cung cấp máu cho bệnh nhân nào chúng tôi hoàn toàn không biết, không kiểm soát được.

Thật sự tôi cũng rất nhức nhối, thậm chí có những bệnh viện họ không những chỉ nhận máu từ bệnh viện này, họ còn tự lấy máu của người nhà. Việc thu máu của người nhà bệnh nhân tôi cho rằng là việc bất đắc dĩ. Bản thân chúng tôi cũng muốn giải quyết triệt để vấn đề nêu trên, có thể xây dựng cách thức nào đó để công khai, minh bạch tồn trữ máu tại các đơn vị.

Nhưng, điều này cần phải có sự phối hợp giữa các đơn vị, cùng công khai cùng chia sẻ giữa cơ sở y tế với người bệnh.

PV: Vậy, phía viện Huyết học Truyền máu Trung ương có những giải pháp khắc phục những vướng mắc với người nhà bệnh nhân trong khâu nhận máu ra sao?

Ông Phạm Tuấn Dương: Người nhà bệnh nhân có thể liên hệ phản ánh với viện Huyết học-Truyền máu rằng bệnh viện A, B không có máu, chúng tôi sẽ có quyền chất vấn bệnh viện đó rằng tại sao không dự trù đủ máu. Còn bây giờ tự nhiên đến kiểm tra thì chúng tôi không có quyền. Khi viện Huyết học-Truyền máu đã can thiệp rồi nhưng vẫn còn thiếu máu, chúng tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Người nhà bệnh nhân cứ gọi điện cho viện Huyết học-Truyền máu theo số hotline phản ánh về tình hình máu, chúng tôi không hứa có thể giải quyết từng trường hợp một, nhưng chúng tôi sẽ liên hệ với các bệnh viện đó để có sự chấn chỉnh. Nếu người nhà bệnh nhân gọi cho chúng tôi rồi mà hôm sau vẫn chưa giải quyết vẫn cứ gọi lại cho chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ giải quyết đến nơi đến chốn.

Theo Nhóm PV (Nguoiduatin.vn)