Chúng tôi nhận được nguồn tin từ bà con tố cáo một cơ sở sản xuất mắm tôm quy mô lớn, bán nhiều tấn cho Hà Nội mỗi tháng, mà lại rất bẩn, có dấu hiệu “bí mật” sử dụng nhiều phụ gia hóa chất.
Địa điểm là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một vấn đề nhạy cảm, ngay cả khi một vài cơ sở làm bẩn, làm ẩu, nhưng nếu không rành mạch, dễ bị rơi vào xu hướng vơ đũa cả nắm, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất cũng như thương hiệu quý có từ lâu đời của cư dân miền biển xứ Thanh. Nhóm PV đã tiến hành nhập vai điều tra.
Với thái độ khách quan và thận trọng nhất, nhóm PV đã đóng giả làm khách hàng thích ăn mắm tôm, lại mở cả cửa hàng siêu thị ở Hà Nội cần nhập mắm tôm số lượng lớn.
Tại cơ sở sản xuất Phương Nhung ở xã Ngư Lộc, những người trực tiếp làm ra sản phẩm và bà con xung quanh, cũng như nguồn tin tố cáo thuyết phục đều cho biết, họ bán “ầm ầm” ra Hà Nội, nhãn hàng ghi là “Mắm tôm Phương Nhung”, “Loại đặc biệt”, “Đặc sản Hậu Lộc”, “Đặc sản Thanh Hóa”. Mỗi tuần vài lượt, họ dùng xe tải, chở nhiều tấn mắm tôm “đặc sản” ra Hà Nội bán.
Mỗi ngày chúng tôi mua một ít hàng, với thái độ thận trọng, nếu đúng “đặc sản” thì đem về ăn. Nếu bẩn thỉu, độc hại thì chấp nhận vứt bỏ ngay sau khi mua, để tạo vỏ bọc tiếp tục điều tra.
Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa tiến hành kiểm tra cơ sở Phương Nhung theo đề nghị của nhóm PV. |
Có thể chúng tôi quá đa nghi, nhưng quả là gần 1 năm qua, chưa một giọt mắm hoặc mắm tôm nào của cơ sở này “trôi qua đầu lưỡi” nhóm phóng viên. Bởi hình ảnh những xô chậu múc mắm tôm đặt bệt ngay xuống đất, cạnh đó là hót rác, chổi nhựa, nhiều nhân công vô tư bơm mắm tôm vào chai nhựa bằng tay trần, chân trần “tơ hơ”...
Đặc biệt đáng sợ là hệ thống bể ngâm, chứa bằng bêtông rất bẩn thỉu, vài miếng nhựa, vài miếng nylon, mảnh fibrôximăng che cũ kỹ ố mốc.
Ừ thì, chả ai đi vào bể ngâm mắm tôm để ngửi... xem có thơm không rồi phán liều. Ừ thì, dân gian có câu “ăn mắm mút giòi”. Nhưng rõ ràng, chẳng ai muốn ăn mắm tôm múc từ cái bể lúc nhúc giòi và những con “bọ mắm” bò lổm ngổm. Chúng bu kín cả một góc bể lớn bằng ximăng cũ rỉn. Giòi bọ, con trắng con đen ngoe nguẩy trong lõng bõng mắm và mắm tôm đen sẫm nặng mùi.
Ống kính máy quay của chúng tôi đang “vấp” phải vô số côn trùng đáng sợ đang bơi hoặc đã “tử nạn” trong bể bơi mang tên “bể mắm tôm”. Video và các bức ảnh kèm bài viết này nói lên tất cả.
Dù cơ sở đã dọn dẹp khá kỹ trước khi chúng tôi có mặt, tuy nhiên, vẫn còn cả một bộ sưu tập côn trùng bẩn thỉu “tắm” trong bể mắm và mắm tôm. Ảnh: PV |
Hãi hùng, lúc nhúc, cả bộ sưu tập côn trùng không một ai dám nghĩ nó có thể được ngâm xác rồi trở thành một phần món “đặc sản” ăn trực tiếp vào miệng. Vài con nhện to bằng hai ngón tay, phơi mình chết thối, nổi lềnh bềnh trong bể mắm. Lại mấy chú thạch sùng, con nào cũng to dài, đen thui mục ruỗng “mắc cạn” trên bể mắm tôm lầy nhầy, hay trắng hếu vừa trương phềnh, “bơi” theo dòng nước mắm.
Chưa hết, bọn gián mới là nhiều, con nào cũng to, nổi lập lờ. Đại diện cơ sở lẩm bẩm, đại ý: “Để lũ gián chết đó, đến chiều chị Nga (công nhân) chị ấy sang vớt. Nó chả làm sao đâu. Nó nằm đó rồi nó lại bơi đi, hoặc nó chết thì chúng em cũng lọc mắm tôm trước khi xuất bán mà”.
Tôi vờ kêu ca “bọn anh mở siêu thị mắm và mắm tôm, một cái chân gián này mắc vào răng khách hàng là sạt nghiệp, có khi còn bị xử phạt rất nặng, nhất là “nó” đưa phây búc!”, cô bé áo hồng bèn miễn cưỡng dùng cái gáo đỏ múc vài con gián ra. Cô bé bảo: “Nhà em bán có thương hiệu, bán nhiều tấn lên Hà Nội mỗi tuần. Bọn anh cứ mua đi, lúc bán sẽ có giấy tờ công nhận tiêu chuẩn vệ sinh ATTP đàng hoàng”.
Đúng là khi kiểm tra, giấy tờ của họ rất đầy đủ. Lạ thật đấy! Cô bé trấn an khách xong, thì oái oăm thay, ngay tại cái bể ở khu vực diễn ra cuộc đối thoại đó, một xác rết đen kịt, mềm rữa lộ ra.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở Phương Nhung. |
Dấu hỏi lớn nhất của chúng tôi là: Mắm tôm Phương Nhung có chứa hóa chất hay hay dùng phụ gia thực phẩm một cách vô tổ chức, gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng không?
Một người hàng xóm, là một trí thức, gặp riêng chúng tôi ngoài quán cà phê ở cây cầu xa làng, thầm thì vào... máy quay của PV: Cơ sở này có nhiều bể chứa mắm tôm lớn, hàng trăm tấn, cứ vài ngày lại đánh ôtô chở hàng dán nhãn “Đặc sản Thanh Hóa” ra Hà Nội bán. Họ chỉ bỏ phụ gia, hóa chất vào mắm tôm ở giai đoạn trước khi đóng chai đem bán.
Vì thế có đoàn kiểm tra đến thì họ dẫn ra bể “tìm hiểu”, “lấy mẫu”, cái mẫu đó chỉ có muối và moi (một loại hải sản) thì dĩ nhiên chẳng vi phạm gì. Anh này nhấn mạnh, cái nguy hiểm nhất là: “Họ chỉ bỏ phụ gia, hóa chất trước khi đem bán, thế nên người tiêu dùng càng dễ lãnh đủ hơn...”.
Ngay tại cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng mà nhóm PV chứng kiến, hàng loạt sai phạm của cơ sở đã được chỉ ra và yêu cầu bổ khuyết, khắc phục. Đặc biệt, trong quá trình chúng tôi điều tra, một công nhân tự giới thiệu là người “chuyên tâm” nấu phụ gia, chất tạo màu cho cơ sở Phương Nhung đã tiết lộ: Họ phải nấu chất tạo màu đỏ ối kia ra. Pha nó loãng bằng nước sôi, “phù phép” mắm tôm đen sẫm thành cái màu lòng tôm hồng hồng đo đỏ cho bát mắm tôm trong bữa bún đậu thơm nức.
“Nửa ca nước to và một thìa hóa chất tạo màu, khuấy lên. Tùy sở thích của khách hàng, tạo màu thâm hay màu hồng” - bà Ng cho biết. Bà bảo, sợ nhất là loại hóa chất “có màu tim tím, đen đen, loại này khi “nấu” để pha, nó bay mùi lên kinh khủng lắm. Phải đeo bao tay, khẩu trang, hơi nó bay lên gây khó thở. Chữ trên bao bì thì toàn chữ nước ngoài, không đọc được.
Đừng nói mà bà chủ mắng chị, chứ họ vẫn bỏ hóa chất vào, để nó giữ được cái độ (màu) không đen mấy, mà mình không bỏ thì nó nhanh đen màu”. Bà chủ dặn không được nói cho ai. Nói chung (người) mình biết chết vẫn ăn. Có cái hóa chất nó bằng bột khô, nên phải ngâm bằng nước sôi, lọc rồi mới nấu lên, phải lọc hai lần kẻo nó có cái hạt li ti vào sản phẩm. Có loại hăng lắm, gây khó thở. Sau khi cho phụ gia hay hóa chất đó vào, phải từ từ mai kia hẵng đóng chai đóng lọ, để nó bay bớt, bay hết mùi hăng đi đã...”.
Bà Ng lại dặn kỹ, “nếu “em” (nhà báo nhập vai) lấy hóa chất của xưởng về thì phải giấu kẻo công an họ bắt. Lưu ý cái chất màu đỏ kia nó “lan” và bám ghê lắm, một tẹo dính vào tay là mấy ngày giặt quần áo với bao nhiêu chà xát và xà phòng cũng không sạch. Vì thế khi làm phải đeo găng tay”.
Quả thật, còn nhiều dấu hỏi trước những lời tố cáo rất đanh thép và khó có thể thuyết phục hơn này. Ví dụ, hóa chất đó là hóa chất gì, liều lượng bao nhiêu là độc hại nguy hiểm, sản phẩm ra thị trường có tàn phá sức khỏe người tiêu dùng không? Cần điều tra khách quan để có phán xử cuối cùng, tránh lấp liếm bao che. Tránh làm oan cho cơ sở sản xuất, cũng như tránh bỏ lọt những kẻ đầu độc hoặc bảo kê cho đầu độc đồng loại.
Song, cái dễ thấy nhất là: Cơ sở sản xuất đã gian dối, trong khi cam kết bằng văn bản không sử dụng phụ gia hóa chất nhưng cuối cùng, trước tài liệu của PV Báo Lao Động đưa ra tại buổi kiểm tra, họ đã phải thừa nhận có việc sử dụng “phụ gia”.
Sử dụng hóa chất trong khi cam kết không sử dụng, sử dụng mà không ghi thông tin trên bao bì một cách minh bạch.
Điều đáng sợ hơn, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh trong đề nghị ngay tại hiện trường với đoàn kiểm tra: Sản phẩm sử dụng “phụ gia hóa chất” ở thời điểm chúng tôi quay video tố cáo không còn lưu trữ mẫu theo quy định, thành phẩm thì đã bán hết như đại diện cơ sở thừa nhận, vậy thì làm sao xét nghiệm được đích danh những lô mắm tôm tiềm tàng nguy cơ độc hại kia? Việc xét nghiệm các lô ở thời điểm đoàn kiểm tra có mặt sẽ là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, không có giá trị trong lật mặt, nếu có sai phạm.
Theo Lãng Quân - Tâm Ninh (Lao Động)