Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) phối hợp cùng phòng khám vệ tinh Hùng Vương - Kim Xuyên tiếp nhận cấp cứu bé trai 10 tuổi bị chó cắn.
Bé trai (trú tại Tuyên Quang) vào viện trong tình trạng đa chấn thương với các vết thương chằng chịt vùng đầu, cẳng tay, đùi, căng chân.
Vết thương lớn nhất vùng đầu dài khoảng 5x0,5cm còn lại các vết thương kích thước 3x0,2cm, vết thương đùi trái khoảng 7x5cm lộ nhóm cơ đùi trước trong. Bé trai đau đớn, hoảng loạn.
Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành trấn an tâm lý, cấp cứu, cầm máu, sát khuẩn các vết thương, dùng thuốc và các loại vaccine, huyết thanh dại. Sau cấp cứu và trấn an tâm lý ổn định, bé trai tiếp tục được chăm sóc và điều trị tiếp.
Ngày 19/3, trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, các bác sĩ cho biết, vài tháng gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận và cấp cứu nhiều bệnh nhân bị chó nuôi tấn công. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình chủ quan, cho rằng vết thương chó cắn nhỏ, không đáng ngại nên không đưa bé tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn. Đáng tiếc, đã có những trường hợp trẻ tử vong.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn đều là do vật nuôi trong nhà hoặc vật nuôi của nhà hàng xóm. Các trẻ bị chó tấn công chủ yếu trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân.
Theo các bác sĩ, hiện nay nhiều gia đình nuôi chó, mèo để "làm bạn". Bác sĩ khuyến cáo các gia đình nên cân nhắc khi chọn nuôi thú cưng, đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ. Nếu đã quyết định nuôi thú cưng thì cần xây dựng môi trường đảm bảo an toàn cho cả trẻ lẫn thú cưng như rọ mõm động vật, tiêm phòng vaccine đầy đủ...
PN (Nguoiduatin.vn)