Bộ Công an vừa trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh về đề xuất ghi vào thẻ Căn cước công dân 1 dòng thông tin về số CMND cũ (9 số) để thuận lợi hơn trong các giao dịch dân sự.
|
Gửi ý kiến tới Bộ Công an, cử tri tỉnh Tây Ninh cho rằng hiện nay khi làm thẻ Căn cước công dân thay cho Chứng minh nhân dân (CMND) thì ngoài việc được cấp thẻ căn cước, cơ quan công an lại cấp thêm cho người dân 1 Giấy xác nhận số CMND cũ (bằng giấy A4) nhằm giúp người dân tiếp tục thực hiện các giao dịch dân sự. Việc này gây khó khăn cho người dân trong việc bảo quản “Giấy xác nhận”.
Chính vì thế, cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Công an nên ghi thêm vào Thẻ căn cước công dân 1 dòng về số CMND cũ để thuận lợi hơn.
Trả lời cử tri, Bộ Công an cho biết thực hiện Luật Căn cước công dân, Bộ này đã ban hành Thông tư số 61/2015/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân, cụ thể hóa các quy định về hình dáng, kích thước, nội dung, quy cách và chất liệu thẻ Căn cước công dân, không quy định về dòng số CMND cũ trên thẻ Căn cước công dân là đúng quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trước dây đã sử dụng số CMND cũ, Bộ Công an có quy định việc cấp Giấy xác nhận số CMND khi công dân chuyển dùng từ giấy CMND sang thẻ Căn cước công dân.
Giấy xác nhận số CMND chỉ mang tính chất tạm thời, xác nhận số CMND cũ với số thẻ Căn cước công dân là của cùng một người nhằm phục vụ công dân trong lần đầu giao dịch với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
“Khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ghi nhận sự thay đổi số CMND của công dân và lưu vào hệ thống thì Giấy xác nhận số CMND không cần thiết nữa”- Bộ Công an khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Bộ Công an đã công bố 21 thủ tục hành chính liên quan đến Căn cước công dân thực hiện ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
Trao đổi với PV, Đại tá Phùng Đức Thắng- Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72-Bộ Công an) khẳng định, bất kể người dân nào khi vào cơ quan thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước công dân đều có thể tìm hiểu thủ tục hành chính làm theo các bước như thế nào. Các thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai theo quy định.
“Việc công khai này sẽ giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin, hiểu được trình tự thủ tục, các loại giấy tờ cần phải có khi tiến hành xin cấp đổi thẻ căn cước công dân. Các hướng dẫn đều được Bộ Công an làm ngắn gọn, dễ hiểu cho người dân tiếp cận”- ông Thắng nói.
Hiện nay mới chỉ có 16 địa phương trên cả nước trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp Căn cước công dân (từ ngày 1/1/2016) theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân gồm: Tây Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình. Dự kiến đến ngày 1/1/2020 toàn bộ các địa phương trên cả nước sẽ cấp Căn cước công dân.
Theo Thế Kha (Dân Trí)