Kiến nghị Chủ tịch nước gộp huyện đảo Hoàng Sa vào đất liền

29/04/2016 17:20:00

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp đề xuất với Chủ tịch nước Trần Đại Quang ý tưởng gộp huyện đảo Hoàng Sa vào 1-2 phường trong đất liền để có hệ thống chính trị hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, vừa qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, phục hồi HĐND các cấp, chức danh này phải do HĐND huyện Hoàng Sa bầu, nhưng thực tế chưa có HĐND huyện Hoàng Sa. Điều này khiến chức chủ tịch huyện Hoàng Sa không hợp pháp. "Chúng tôi xin Chủ tịch nước cơ chế cho Đà Nẵng, để bầu chủ tịch huyện Hoàng Sa hợp pháp", ông nói.

kien-nghi-chu-tich-nuoc-gop-huyen-dao-hoang-sa-vao-dat-lien

Ông Bùi Văn Tiếng trực tiếp đề xuất với Chủ tịch nước về ý tưởng Hoàng Sa phải có đất, có dân. Ảnh: Ngọc Trường.

Ông Tiếng cũng trực tiếp đề xuất với Chủ tịch nước về ý tưởng "kéo" Hoàng Sa về với đất liền, bằng việc gộp huyện đảo này vào một đến hai phường trong đất liền thuộc quận Sơn Trà. Hoàng Sa có đất liền để từ đó có dân. "Để lâu dài, Hoàng Sa có dân, có cử tri, có hệ thống chính trị và từ đó chủ tịch huyện Hoàng Sa sẽ do HĐND bầu lên một cách hợp pháp", ông Tiếng hiến kế.

Đồng quan điểm, ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết những ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng là cấp thiết, chính đáng, bởi ngày 22/5 tới, Đà Nẵng sẽ bầu cử HĐND các cấp. Chính phủ cần có ý kiến trước ngày bầu cử để huyện đảo Hoàng Sa có chức danh chủ tịch theo đúng luật hiện hành.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, ý kiến đưa Hoàng Sa về với đất liền của ông Bùi Văn Tiếng là hợp tình, hợp lý nên sẽ phối hợp với các ngành chức năng Trung ương xử lý.

Cũng tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết hạn chế nhiều năm qua của thành phố là chưa thu hút được đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao... như yêu cầu đặt ra. Tới đây, Đà Nẵng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc để giúp doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Đà Nẵng cũng tập trung thu ngân sách, thực hiện tiết kiệm, chi ngân sách chặt chẽ; tiếp tục tinh giảm biên chế, liên tục điều động, luân chuyển cán bộ chủ chốt; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, trong đó có dự án hầm hoặc cầu qua sông Hàn, công viên Bách thảo... Bên cạnh chương trình "5 không 3 có", thành phố cũng đang chỉ đạo chương trình "4 an" (an toàn trật tự, giao thông, vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội).

kien-nghi-chu-tich-nuoc-gop-huyen-dao-hoang-sa-vao-dat-lien-1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết sẽ xử lý nhiều ý kiến từ phía thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Trường.

Lãnh đạo Đà Nẵng cũng trình bày nguyện vọng có được cơ chế đặc thù về vốn đầu tư xây dựng dự án khu công nghệ cao (một trong 3 khu công nghệ cao của cả nước); cho phép Đà Nẵng sớm báo cáo với Bộ Chính trị và Ban Bí thư về đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó có một số nội dung quan trọng liên quan đến cơ chế đặc thù về phân cấp mô hình chính quyền địa phương và nhất quán một số chức danh, vị trị.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước chúc mừng những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, du lịch,... mà thành phố Đà Nẵng đã đạt được. Trước những ý kiến của Đà Nẵng, Chủ tịch nước nói sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các cơ quan ban ngành để sớm thực hiện, trong đó có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng.

Theo Ngọc Trường (VnExpress.net)

Nổi bật