Vào ngày 19/7 vừa qua (theo giờ Việt Nam), nhà đấu giá GWS Auctions, một công ty chuyên bán đấu giá đồ trang sức, ôtô và các vật phẩm Hoàng gia cổ có trụ sở tại Agoura Hills, California (Hoa Kỳ) vừa rao bán một thanh kiếm mà họ cho là của Hoàng đế Thành Thái, vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn. Theo mô tả của nhà đấu giá, thanh kiếm dài 32 inch (81 cm), nơi rộng nhất 4 inch (10 cm) và bề rộng lưỡi kiếm là 1,5 inch (3,8 cm).
Về nguồn gốc thanh kiếm, GWS Auctions cho biết là thuộc về một gia đình con cháu hoàng tộc nhà Nguyễn hiện đang sinh sống tại Mỹ và "mong muốn được giữ kín danh tính vì vẫn có người thân sống ở Việt Nam". Tuy nhiên, do không cung cấp thêm các bằng chứng khác trong mô tả thông tin nên thanh kiếm cũng để lại một số ngờ vực. Đặc biệt là khi nhà đấu giá này đã thông tin quá đà với nội dung: "Vật gia truyền quý giá này đã tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều triều đại và tồn tại hơn 1000 năm".
Nhà đấu giá mô tả thêm về các chi tiết trang trí: "Thanh kiếm đại diện cho một quốc gia thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc và được trang trí bằng đá quý bên trong, các chi tiết được khắc và tay cầm hình hoa sen".
Các dòng chữ Hán được khắc trên thanh kiếm bao gồm "Vương Quyền Thành Thái" (tạm hiểu: thanh kiếm tượng trưng cho "vương quyền" của "vua Thành Thái"), "Bảo Kiếm An Dân" (tạm hiểu: Thanh bảo kiếm bảo vệ cho sự an bình của người dân). Trên thân kiếm cũng có một dòng ghi chú về thời điểm và đơn vị chế tạo: "Thập nhất niên trọng xuân chi cát, công bộ phụng giám chú" (tạm hiểu: Chế tạo vào ngày tốt của tháng 2, năm Thành Thái thứ 11 do Bộ Công chế tạo).
Thanh kiếm được bán với giá khởi điểm 5.000 USD (khoảng 114,4 triệu VNĐ) và theo thông tin mới nhất, thanh kiếm đã được đấu giá thành công với số tiền 50.000 USD (khoảng 1,1 tỉ VNĐ). Hiện chủ nhân của thanh kiếm vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin về việc thanh kiếm "Vương Quyền Thành Thái" được đấu giá thành công tại Mỹ, trên khắp các diễn đàn, hội nhóm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, cổ vật đã xuất hiện không ít ý kiến trái chiều về lai lịch của thanh kiếm. Thậm chí, rất nhiều ý kiến đã khẳng định thanh kiếm này không phải là của Hoàng đế Thành Thái và người bỏ tiền ra mua đã mất 50.000 USD để mang về một thanh kiếm giả, không phải đồ "ngự dụng" Hoàng đế triều Nguyễn.
Sai ngay từ lối viết?
Vấn đề đầu tiên nằm ở bốn chữ Hán "Vương Quyền Thành Thái". Chưa bàn đến ý nghĩa của 4 chữ trên thì cách khắc cũng khiến giới chuyên môn đặt một dấu hỏi lớn. Vào thời kì quân chủ, mặc dù cha ông ta đã cố gắng phát triển hệ chữ Nôm từ nhiều thế kỉ, song chữ Hán vẫn chiếm vị trí độc tôn trong các văn bản hành chính của triều đình xuyên suốt các triều đại tự chủ. Lối viết và đọc chữ Hán thời kì này mặc định là từ phải qua trái hoặc từ trên xuống dưới, gần như không có ngoại lệ giống như cách mà chúng ta mặc định khi viết và đọc chữ Quốc ngữ trong thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, 4 chữ "Vương Quyền Thành Thái" lại được viết... từ trái qua phải như cách đọc và viết các văn bản hiện đại. Không chỉ dừng lại ở 4 chữ "Vương Quyền Thành Thái" mà cả các cụm từ chữ Hán còn lại khắc trên thanh kiếm cũng đều được thể hiện từ trái qua phải, hoàn toàn trái ngược với quy tắc viết chữ ngày trước.
Đối chiếu với bút tích bằng chữ Hán của Hoàng đế Thành Thái còn được lưu trữ khá đầy đủ có thể thấy nhà vua vẫn ghi chữ Hán hoàn toàn bình thường: Viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, không hề có sự thay đổi gì. Các đồ ngự dụng mang tính tượng trưng cho quyền lực của Hoàng đế lại càng phải được chế tác tỉ mỉ, không có lí gì lại bị khắc theo lối hoàn toàn ngược với tiêu chuẩn lúc bấy giờ. Thế nên, ngay từ lối khắc các chữ Hán trên thân kiếm, những người có chuyên môn đã hồ nghi về lai lịch của vật dụng này.
Không chỉ sai về nội dung mà về mặt ngữ nghĩa cũng có vấn đề lớn
Về bốn chữ "Vương Quyền Thành Thái", một số đánh giá cho rằng đây là cụm từ không chính xác khi đặt vào thể chế chính trị của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Theo đó, sau khi Vua Gia Long chính thức lên ngôi Hoàng đế vào năm 1806 tại Điện Thái Hòa (Kinh đô Phú Xuân), các vị Vua sau đó của triều Nguyễn cũng đều xưng là Hoàng đế (chữ Hán: 皇帝), một danh hiệu cao hơn Quốc vương (chữ Hán: 國王).
Các cụm từ liên quan đến người cai trị triều Nguyễn cũng đều dùng các tiền tố Hoàng (皇) và Đế (帝) để gọi nhằm thể hiện rõ địa vị của bậc Thiên tử: vợ chính thức của Hoàng đế gọi là Hoàng hậu (皇后), mẹ của Hoàng đế gọi là Hoàng Thái hậu (皇太后), triều đại thống trị đất nước cũng được gọi là Hoàng triều (皇朝), bài thơ được Hoàng đế Minh Mạng đặt tên lót cho các đời con cháu có tên Đế hệ thi (帝系詩), quyển sách gia phả các đời nhà Nguyễn được gọi là Hoàng triều Tôn phả (皇朝尊譜), v...v...
Theo cách lí luận này, lẽ ra "Vương Quyền Thành Thái" phải được chuyển thành "Hoàng Quyền Thành Thái" hoặc "Đế Quyền Thành Thái" thì mới hợp lẽ. Vì theo quan niệm thời quân chủ, "Hoàng đế" và "Vương" dù đều chỉ người cai trị một quốc gia nhưng địa vị cao - thấp hoàn toàn khác nhau.
Theo Tiến sĩ Đoàn Thành Lộc (nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ nhân, người sáng lập Nam Ngọc Hiên) thì dòng chữ "Thập nhất niên trọng xuân chi cát, công bộ phụng giám chú" (tạm hiểu: Chế tạo vào ngày tốt của tháng 2, năm Thành Thái thứ 11 do Bộ Công chế tạo) không chỉ sai về lối viết từ trái sang phải mà về mặt ngữ nghĩa cũng có lỗi sai nghiêm trọng. Anh cũng cho biết hoa văn trên chiếc kiếm "xa lạ với hoa văn đương thời".
Tiến sĩ Đoàn Thành Lộc cũng tiếp tục chỉ ra: chữ Công Bộ chỉ đơn vị chế tạo nên thanh kiếm này đã bị viết sai hoàn toàn trong khi đây là một lỗi sai rất cơ bản về mặt kiến thức, càng khiến tính xác thực của thanh kiếm bị đặt nghi vấn. Cụ thể, Công Bộ (工部) chỉ cơ quan hành chính tương đương với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải hiện tại. Tuy nhiên khi khắc lên thanh kiếm, lẽ ra phải là chữ Công (工) trong "công việc" thì người khắc đã nhầm lẫn nghiêm trọng thành chữ Công (公) trong "Công chúa", "tước Công".
Mức độ tinh xảo thua xa một bảo kiếm nhà Nguyễn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội)
Bên cạnh đó, trên thanh kiếm có thêm 4 chữ "An Dân Bảo Kiếm" cũng tiếp tục là một dẫn chứng làm cộng đồng nghiên cứu lịch sử nghi ngờ. Cụ thể, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) hiện đang trưng bày 2 thanh "An Dân Bảo Kiếm" của Hoàng đế Khải Định với lối khắc chữ theo truyền thống từ trên xuống dưới, khác xa hoàn toàn với lối khắc từ trái sang phải của thanh kiếm được đề cập phía trên. Bên cạnh đó, mức độ tinh xảo trong khâu chế tác cũng có thể nói là "một trời một vực".
Thanh "An Dân Bảo Kiếm" của Hoàng đế Khải Định, hiện vật được thẩm định và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) với 4 chữ Hán được khắc theo đúng quy chuẩn từ trên xuống dưới, quy cách trang trí cũng tinh xảo và lộng lẫy hơn thanh kiếm đang bị đặt nghi vấn rất nhiều.
Theo anh Lương Hoài Trọng Tính (nhà nghiên cứu trẻ về văn hóa triều Nguyễn, sáng lập Đại Nam Hội quán chuyên nghiên cứu về phong tục xưa của vùng Lục tỉnh Nam Kỳ) cho biết: "Thể thức kiếm bạc bọc vàng như thế này dường như không phải quy cách của Hoàng đế mà giống chất liệu kiếm của Thống chế Chưởng vệ hơn. Hoa văn trên thanh kiếm nói trên cũng thiên về mây và hoa lá, thiếu hẳn đi hoa văn đặc trưng của Hoàng đế ngũ trảo long (rồng năm móng), cũng không loại trừ do sở thích cá nhân. Nét chạm trên thanh kiếm này rất thô, thể hiện tay nghề yếu."
Anh Hoàng Đại (nhà nghiên cứu về vũ khí chiến trận, thành viên của nhóm nghiên cứu - phục dựng cung thuật, vũ khí truyền thống Vương Sư Kiên Duệ) cũng thông tin: "Giai đoạn này thì kiếm nhà Nguyễn đã chuộng phần hộ thủ bọc tay kiểu phương Tây. Tuy nhiên, kiếm của Hoàng đế thì vẫn có cẩn đồi mồi, pha lê,... chứ không phải kiểu Hồng ngọc và Hổ phách nhìn rất "giả" như thế này".
Kết
Tính đến thời điểm hiện tại, lai lịch về thanh kiếm "Vương Quyền Thành Thái" rõ ràng đang đối diện với nghi vấn rất lớn từ cộng đồng nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Các bằng chứng đã chỉ ra thanh kiếm đã được tạo tác khá "ngô nghê" bởi một người không có đủ kiến thức.
Họa sĩ Phan Thành Nam (nghệ danh Ấm Chè, nhân vật có uy tín trong cộng đồng nghiên cứu Cổ phong Việt Nam) cũng đúc kết: "Chừng này thông tin đủ biết hàng giả rồi. Kiếm "gia truyền" nếu thực lâu như thế, hoặc của ông cha truyền lại thì Vua sẽ không tự ý đóng tên hiệu của mình lên đó. Bởi vì như thế làm mất ý chí truyền thừa của "bảo vật", xúc phạm chứ không phải tôn trọng tổ tiên. Ví dụ khẩu súng của Vua Gia Long truyền lại thì Vua Minh Mạng cũng chỉ dám gọi là "võ công lương khí" chứ không dám đóng chữ Minh Mạng lên để nhận làm của riêng".
Chủ nhân của thanh kiếm vẫn chưa lên tiếng và vẫn chưa có đơn vị có thẩm quyền nào đứng lên xác nhận về lai lịch của thanh kiếm. Tuy nhiên, với rất nhiều dẫn chứng đã chỉ ra như trên, chủ nhân của thanh kiếm lẫn công chúng vẫn nên có một cái nhìn dè dặt trước khi mọi chuyện được sáng tỏ.
Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Hoàng đế Thành Thái (14/3/1879) tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con thứ 7 của Hoàng đế Dục Đức. Ông là Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, một người yêu nước thương dân, có tư tưởng canh tân nhưng cuộc đời gặp nhiều uẩn ức.
Ông lên ngôi lúc 10 tuổi (năm 1889) tại điện Thái Hòa mà không có "ngọc tỷ truyền quốc" và cũng chẳng có "di chiếu". Năm 1907 chính quyền thực dân phát hiện ông có tư tưởng chống Pháp, nên ép phải thoái vị và áp giải vào Sài Gòn rồi bị quản thúc tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).
Năm 1916, ông bị đày sang đảo Reunion (châu Phi) cùng với người con trai cũng bị Pháp phế truất sau đó đó là Hoàng đế Duy Tân. Trong những năm lưu đày, vị cựu hoàng phải sống cuộc đời khá vất vả thanh đạm. Sau năm 1945, nhờ sự vận động của một số tổ chức, ông được trở về Việt Nam và sống cùng gia đình tại Vũng Tàu. Ngày 20/3/1954, ông mất tại Sài Gòn, thọ 75 tuổi.
Hoàng đế Thành Thái được an táng ngay trong khuôn viên An lăng của cha mình là Hoàng đế Dục Đức. Lăng hiện tọa lạc tại phường An Cựu, Thành phố Huế.
Theo Minh Khôi (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)