Như Thanh Niên cập nhật thông tin về kịch bản giãn cách, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP.HCM trong những ngày vừa qua, trước những mong mỏi, kỳ vọng của người dân, lãnh đạo TP.HCM cũng đã thông tin quan điểm về “mở cửa” khôi phục kinh tế trong bối cảnh “chúng ta cũng không thể quét sạch F0”.
TP.HCM đã có những động thái cơ bản, khởi động tính toán, bàn thảo cho các bước khôi phục kinh tế từ nay đến 31.12.2021, từ năm 2022 và các năm tiếp theo. Tinh thần “mở cửa” là “chậm mà chắc, mở tới đâu an toàn tới đó”, bởi như chia sẻ mới đây của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, “công tác chống dịch vừa qua chưa có tiền lệ, chưa có bài học nào cả, khi tình huống diễn ra buộc thành phố phải ứng phó”.
Một điểm rất đáng chú ý, theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Nên, việc “mở cửa” khôi phục kinh tế buộc phải gắn liền với an toàn dịch tễ về phòng dịch Covid-19. Muốn mở dần ra, chúng ta tập thói quen sống trong trạng thái bình thường mới là tình trạng có dịch. Đây là vấn đề hệ trọng, bên cạnh với củng cố hệ thống y tế. Và nguyên tắc chống dịch là "phải dựa vào chuyên môn, tôn trọng khoa học y tế, dịch tễ học chứ không thể thực hiện theo ý chí riêng của bất kỳ cá nhân nào".
An toàn dịch tễ của TP.HCM đang ở mức nào? Tính đến 18 giờ ngày 4.9.2021, có 245.707 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Trong đó, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 125.481, tổng số tử vong cộng dồn từ 1.1.2021 đến nay là 10.452.
Một tín hiệu tích cực là số ca tử vong đang có chiều hướng giảm. Hiện TP.HCM đang điều trị 42.863 bệnh nhân (số còn lại đang điều trị, theo dõi tại nhà). Một tín hiệu tích cực nữa, là số người tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 tiếp tục tăng. Trong đó, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 4.9.2021 là 6.444.826 (tăng 123.777 mũi vắc xin so với ngày 3.9.2021), bao gồm tổng số mũi 1 là 5.992.514, mũi 2 là 452.312, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 695.513.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình dịch bệnh theo Bản đồ Covid-19 TP.HCM, đến hôm nay (6.9) vẫn còn đậm đặc số ca nhiễm, khu vực phong tỏa.
Như vậy, chiếu theo quan điểm dựa vào an toàn dịch tễ để “mở cửa” khôi phục kinh tế của TP.HCM, có thể tóm lược vào một số yếu tố then chốt: kéo giảm số ca mắc mới, kéo giảm tỷ lệ tử vong, bao phủ vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Qua tham vấn ý kiến của một số chuyên gia về dịch tễ và điều trị, đặc biệt theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, thì mục tiêu kéo giảm số ca mắc mới là khả thi. Bởi lẽ, việc “quét” F0 trong cộng đồng ở vùng đỏ, vùng cam đã cơ bản hoàn tất; số người có miễn dịch trong cộng đồng ngày càng nhiều (từ bệnh nhân khỏi bệnh, bao phủ vắc xin…). Mục tiêu kéo giảm tỷ lệ tử vong cũng có những tín hiệu tích cực, khi đã dồn lực điều trị bệnh nhân có triệu chứng nặng; F0 điều trị tại nhà được chăm sóc y tế, cấp phát túi thuốc…
Riêng vấn đề bao phủ vắc xin phòng ngừa Covid-19, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, dự kiến đến 31.12.2021 mới có thể tiêm đủ mũi 2 cho hơn 7 triệu người.
Cần mô hình bình thường mới cụ thể
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia bệnh truyền nhiễm) cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM, rất khó đòi hỏi được một giải pháp hoàn hảo (“sạch” F0, công bố hết dịch và đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới). “Muốn hoàn hảo hết thì biết đến bao giờ”, bác sĩ Khanh nói.
Về giải pháp liên quan đến giãn cách xã hội, theo bác sĩ Khanh, việc khôi phục kinh tế trong bối cảnh còn dịch bệnh Covid-19, là vấn đề rất hệ trọng. Vì vậy, không nên mô tả chung chung. Đòi hỏi cấp thiết là có mô hình hòa nhập cụ thể thế nào, cần sớm công bố cho người dân, chuyên gia biết, góp ý và tích cực tham gia cộng hưởng thực hiện khi áp vào thực tế.
Về an toàn dịch tễ, theo bác sĩ Khanh, có thể tính toán phương án “mở cửa” cho đối tượng đã hết bệnh và đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (sau 14 ngày tiêm) tham gia phục hồi kinh tế. Song song đó, chích vắc xin tối đa có thể để bảo vệ đối tượng nguy cơ (người trên 65 tuổi, người có bệnh nền).
“Người đã chích vắc xin 1 mũi, sau 14 ngày là đã sinh miễn dịch. Nếu có mắc bệnh thì cơ bản là không bị nặng. Nếu chích mũi 1 đạt 75% thì có thể cho hòa nhập được. Vấn đề là cần hướng dẫn cho họ biết khi ra ngoài thì gặp ai, người gặp đã chích vắc xin chưa, tự phòng vệ 5K, về nhà sống với ai… Chích vắc xin rồi vẫn có thể bị lây nhiễm, nếu như họ ra ngoài mắc bệnh, quay về nhà có người sống chung thuộc diện nếu mắc bệnh mà nguy cơ tử vong cao (nhóm nguy cơ) thì kiểm soát không cho họ đi. Còn nếu họ sống chung với người trẻ, khỏe, nếu có bệnh mà nguy cơ tử vong thấp, thì “mở cửa” cho họ tham gia phục hồi kinh tế”, bác sĩ Khanh phân tích.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Khanh, cần tính toán “mở cửa” vùng xanh (vùng được cho là an toàn với dịch bệnh). Tuy nhiên, trong quá trình “mở cửa”, cũng cần xét nghiệm sàng lọc Covid-19 để đảm bảo rằng nếu thực tế còn sót F0 dẫn đến có lây nhiễm, thì kịp thời ngăn chặn không để lây nhiễm nhiều. Cùng với đó là phủ vắc xin cho người ở vùng xanh, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ (mắc bệnh mà dễ tử vong). “Kế hoạch “mở cửa” đảm bảo an toàn về dịch tễ, nguyên tắc nôm na là, không du nhập F0 ngoại lai, nếu có thì cách ly điều trị phù hợp. Tạo sức đề kháng cho vùng xanh trở nên xanh hơn thông qua xét nghiệm sàng lọc và bao phủ vắc xin, bảo vệ được nhóm nguy cơ”, bác sĩ Khanh nói.
Có quản được người chưa chích vắc xin ra ngoài không?
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 5.9 khẳng định, hiện TP.HCM chưa có quy định cụ thể người dân đã tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được làm gì; việc này sẽ công bố khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong khi đó, theo một chuyên gia có kinh nghiệm về dịch tễ học, người đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể lây nhiễm, nhưng tỷ lệ phải vào bệnh viện điều trị rất thấp.
Về tiếp xúc, người đã chích vắc xin tiếp xúc với nhau, về dịch tễ thì không có vấn đề gì; nhưng nếu tiếp xúc với người chưa chích vắc xin, vẫn có nguy cơ về lây nhiễm cho người chưa chích. “Vấn đề là khi “mở cửa”, có quản được người chưa chích vắc xin ra ngoài không?”, vị chuyên gia này đặt vấn đề.
Theo đánh giá của vị chuyên gia này, giãn cách xã hội không phải chỉ căn cứ vào số ca bệnh, mà còn liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội, an sinh… Đó là lý do mà ở nhiều quốc gia, lây nhiễm còn nhiều mà họ vẫn mở cửa kinh tế. Và khi bệnh nặng tăng, thì siết chặt giãn cách, khi bệnh nặng giảm thì họ lại nới giãn cách.
“TP.HCM có số ca bệnh vẫn còn cao. Trong khi đó, người được chích vắc xin có miễn dịch ngày càng nhiều, người hết bệnh cũng ngày càng nhiều, áp lực an sinh rất lớn…”, vị chuyên gia này khuyến nghị về một số yếu tố cần cân đối khi TP.HCM tính toán “mở cửa” kinh tế theo kịch bản giãn cách cho giai đoạn mới.
Theo Đình Phú (Thanh Niên Online)