Mỗi lần vớt được thi thể trôi sông, trong tâm trí của người đàn ông sương gió này lại một lần khắc sâu ký ức đau buồn về cuộc sống.
Với anh Nguyễn Văn Dũng, người đàn ông hơn 30 năm sống bên sông Hồng (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội) chuyện nhìn thấy xác chết trôi là chuyện rất bình thường. Mỗi lần nhớ lại những vụ chết đuối thương tâm, đôi mắt anh lại đượm buồn.
Hầu hết các thi thể do anh Dũng vớt được đều không có giấy tờ tùy thân. Nhiều trường hợp, nước sông dâng cao, xác chết tự dạt vào bờ, khi nước rút xuống, thi thể mắc vào bụi cỏ và phân hủy tại đó.
Giọng trầm ngâm, anh Dũng nói:” Vào tầm tháng 4 trở đi, mùa nước lên, thậm chí ngày nào cũng có người chết trôi. Trong số những xác chết được tôi phát hiện, có đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em chưa rụng rốn cho tới người già trên 80 tuổi”.
"Theo kinh nghiệm quan sát thực tế, nếu người nào nhảy cầu, ví dụ nhảy cầu Nhật Tân thì xác chỉ loanh quanh ở đó, đủ 3 ngày xác mới đi xa được. Sau 3 ngày, tôi cứ đón trước ở đó khoảng 1km là tìm được xác. Bao giờ xác chết cũng nổi rất cao trên mặt nước, chân tay quềnh quàng", anh Dũng nói.
Mỗi lần vớt được thi thể trôi sông, trong tâm trí của người đàn ông dạn dày sương gió này lại một lần khắc sâu ký ức đau buồn về cuộc sống. Hầu hết những thi thể không còn nguyên vẹn, người khuyết phần đầu, người thiếu chân, người mất tay. Nhiều thi thể mang đầy thương tích vì bị bánh lái thuyền bè va chạm khi ngược xuôi trên sông...
Kí ức về những lần vớt xác anh nhớ như in không bỏ sót một vụ nào, đặc biệt hai vụ đắm thuyền làm chết gần 100 người làm anh nhớ nhất. Anh Dũng kể, vụ đầu tiên vào năm 1995, trên sông Hồng xảy ra vụ đắm thuyền tại xã Phú Thượng, trong 30 người chỉ duy nhất một người sống sót.
"3h sáng, nhận được tin từ người dân có vụ đắm thuyền ở xã Phú Thượng, tôi vội tới hiện trường. Ngay trong đêm tôi đã kéo lên bờ được 30 thi thể nạn nhân xấu số, còn duy nhất một người sống sót", anh Dũng kể.
Vụ đắm thuyền thứ 2 còn kinh hoàng hơn. Vào năm 1996, thuyền chở những người đi chợ buôn bán hoa quả, va đâm phải một sà lan đang đỗ trên sông lúc nửa đêm, thuyền bị lật khiến tất cả mọi người đều chết hết.
"Một mình tôi vớt 60 người, lúc đó xác người nổi trắng sông, vớt trong 5 ngày mới hết xác. Có người trôi xa tôi phải dùng dây buộc vào tay hay chân kéo vào bờ, thời điểm đó thanh niên còn sung sức nhưng nhiều lúc mệt quá nằm vật ở bờ luôn", anh Dũng nhớ lại.
Chiếc thuyền nhỏ neo đậu bến sông cũng là nơi anh Dũng tập kết xác về đây. |
Những vụ chết đuối tập thể trên sông luôn là nỗi ám ảnh đối với anh Dũng, có lần đang ở bãi ngô, nghe thấy tiếng la hét cứu người, anh Dũng vội vàng gọi thêm người và lao xuống dòng nước xiết, ngụp lặn kéo người bị nạn lên. 5 sinh viên đại học được đưa lên bờ, nhưng không một ai sống sót.
Nhiều lần được người thân nạn nhân nhờ đi tìm xác, anh lại bỏ việc nhà đi giúp họ. Xong việc, họ gửi tiền hậu tạ, nhưng anh không lấy một đồng.
"Anh ấy cũng lạ, bỏ tiền túi ra đi tìm người, rồi bán cả lợn, gà để mua quan tài, xây mộ cho người chết. Nếu để dành số tiền từ những lần chôn cất thì giờ lão cũng có hàng trăm triệu", anh Việt Anh, người đồng hành cùng anh Dũng vớt xác mấy năm nay chia sẻ.
Anh Việt Anh cho hay, tôi thấy anh ấy làm công việc này một mình rất vất vả, tôi cùng một người bạn nữa quyết định tham gia vào đội vớt xác.
Hơn 30 năm, anh Dũng vớt được gần 600 xác chết trôi trên sông Hồng |
Bà Chu Thị Lan, vợ anh Dũng chia sẻ: "Có lần anh ấy đi ròng rã một tuần trời, tôi cũng không lo lắng vì biết rõ tính khí và công việc chồng đang làm. Chúng tôi kết hôn năm 1991 và sinh được hai người con, tất cả gia đình đều ủng hộ công việc của anh ấy".
“Suốt những năm tháng vớt xác, anh ấy không nhận bất cứ một đồng nào của các gia đình nạn nhân. Có chăng thì chỉ là gói bánh, lạng chè. Hồi trước có vụ một cậu sinh viên tự tử và được anh Dũng vớt xác lên, người nhà đến biếu cả chục triệu nhưng lão có lấy đâu”, bà Lan tâm sự.
Theo bà Lan, năm 2012, anh Dũng còn sắm hẳn một chiếc ca-nô nhằm phục vụ cho việc vớt xác trên sông. Từ khi có chiếc ca-nô này, công việc dễ dàng và nhanh chóng hơn. Hiện ca-nô đã bán, chỉ còn lại một chiếc thuyền nhỏ phục vụ cho công việc.
Thời gian này, làng đào Nhật Tân đang bước vào vụ mới. Anh Dũng chăm lo cho hơn 3.000 gốc đào. Có khi đang chăm sóc vườn đào, nhận được điện thoại báo có xác chết nhờ anh đến giúp, anh lại tức tốc lên đường.
Đang dở câu chuyện, anh Dũng nhận được cuộc gọi điện thoại báo có một xác chết ở gần cầu Đuống (Gia Lâm) anh lại vội vã lên đường. Trước khi chia tay chúng tôi, anh nói vui “bãi Nhật Tân đất lành chim đậu, chết ở đâu toàn trôi mắc về đây, tâm linh mới hiểu được”.
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ UBND phường Nhật Tân - xác nhận: “Việc anh Dũng nhiều lần vớt được xác người trôi sông là có thật, chính quyền và người dân ở đây ai cũng biết điều đó. Nhờ có tấm lòng của anh ấy nên nhiều gia đình đã tìm được người nhà của mình. Hiện nay chúng tôi đã phân công Dũng làm hội viên của Hội Chữ thập đỏ phường, đồng thời phụ trách đội cứu hộ cứu nạn ven sông, hàng năm đều trao giấy khen cho những thành tích xuất sắc của anh”.
Theo Hồng Phú (Dân Việt)