Clip: Căn nhà cũ tại phố Nguyễn Thượng Hiền của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Giữa những âm thanh thường ngày huyên náo của phố phường Hà Nội, một căn tập thể xưa cũ nằm trên tầng 3, nép mình dưới những tán cây phố Nguyễn Thượng Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mang dáng vẻ yên bình khác lạ.
Lối vào nho nhỏ, bức tường sớm đã phủ đầy rêu phong, từng mảng vôi bong tróc… như đang nói lên rằng bản thân đã chứng kiến bao đổi thay, bao câu chuyện vui buồn của những người từng sống nơi này.
Đặc biệt trong số đó, có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ít ai có thể nghĩ đến, căn nhà tập thể vỏn vẹn 25m2 nằm trong căn biệt thự Pháp cổ với những vật dụng đơn giản đầy hoài niệm này, vài chục năm về trước từng là nơi 5 người trong gia đình Tổng bí thư sinh sống, một cuộc sống bình dị như bao gia đình Hà Thành khác trước khi chuyển đến nhà công vụ.
Từng học khoa ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 8), sau khi tốt nghiệp cử nhân năm 1976, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân công về làm biên tập viên của Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Gia đình ông cũng chuyển từ khu tập thể Kim Liên đến nhà tập thể Tạp chí Cộng sản trên phố Nguyễn Thượng Hiền.
Được biết, khu nhà tập thể có tổng diện tích hơn 100m2 với 3 tầng, gồm 8 phòng nhỏ là nơi sinh sống của 8 hộ gia đình cán bộ, nhân viên công tác tại Tạp chí Cộng sản. Mọi người dùng chung 2 nhà vệ sinh và bể nước dưới sân.
Gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy có 5 người, gồm: Người mẹ thân sinh của Tổng Bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân là bà Ngô Thị Mận và hai người con. Căn phòng nằm trên tầng 3, không bếp, không nhà vệ sinh.
Đến tháng 8 năm 1991, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và được phân thêm căn phòng 16m2. Từ đó, cả gia đình có thêm phòng bếp, nhà tắm để sinh hoạt, căn nhà cũng “khang trang” hơn.
Hơn 10 năm sống tại đây, đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bổ nhiệm Bí thư Thành ủy Hà Nội, cả gia đình chuyển đến nhà công vụ sinh sống. Sau đó, căn nhà được gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường (62 tuổi) có cơ duyên sở hữu.
Gần 30 năm, căn nhà cũng trải qua vài lần sửa chữa nhưng bộ bốn cánh cửa gỗ mở rộng nhìn ra con phố Nguyễn Thượng Hiền cùng góc ban công xanh mát vẫn luôn được chủ nhân hiện tại giữ gìn, trân trọng tựa như một không gian ký ức về vị Tổng Bí thư đáng kính.
Trong những ngày cả đất nước chìm trong sự tiếc thương dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những hình ảnh về căn nhà nhỏ, nơi từng lưu giữ ký ức hơn 10 năm của ông, lại càng khiến chúng ta thấu hiểu thêm sự bình dị, đời thường của một con người vĩ đại, một nhân cách sáng ngời.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13h38 ngày 19/7, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hưởng thọ 80 tuổi.
Lễ viếng, Lễ Truy điệu và Lễ An táng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức theo nghi thức Quốc tang.
Linh cữu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Lễ an táng lúc 15 giờ 00 phút cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, TP HCM.
Trong hai ngày Quốc tang (25-7-2024 và 26-7-2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
Theo Phạm Trang - Ảnh Lữ Phụng Tiên - Clip Nhật Anh (Nguoiduatin.vn)