Ngày 9/3, TAND tỉnh Sóc Trăng xem xét thụ lý đơn kháng cáo của chị Dương Thị Hạnh Hoa (29 tuổi, ngụ xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú) do TAND huyện Kế Sách chuyển đến.
Nội dung đơn chị Hoa yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bỏ giấy khai sinh số 394 của UBND xã Đại Hải (Kế Sách) cấp cho bé gái sinh ngày 15/8/2017 và chấp nhận để người mẹ này được nuôi con chung với anh Huỳnh (tên đã thay đổi, ở xã Đại Hải).
Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Kế Sách, chị Hoa trình bày rằng tháng 10/2016, chị kết hôn với anh Huỳnh. Tháng 6/2017 hai người xảy ra mâu thuẫn nên chị Hoa về nhà cha mẹ ruột để dưỡng thai.
Ngày 15/8/2017, chị Hoa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ sinh con. Người mẹ cho rằng trước khi bé gái được xuất viện thì anh Huỳnh tự ý đưa bé về Kế Sách cho cha mẹ chồng chị Hoa nuôi.
Một tuần sau đó, chị Hoa làm khai sinh cho con tại UBND xã Hưng Phú. Bé gái tên Huỳnh Thị Hạnh Như, mang số định danh cá nhân là ......04465.
Ngày 13/9/2017, anh Huỳnh đến UBND xã Đại Hải làm khai sinh, đặt tên con là Huỳnh Thị Thùy Dương. Ngoài tên mới, bé gái có thêm số định danh cá nhân là ......004905.
Cũng trong tháng 9/2017, chị Hoa nộp đơn ly hôn chồng. Nguyên đơn yêu cầu TAND huyện Kế Sách trao quyền nuôi con cho chị và hủy giấy khai sinh của UBND xã Đại Hải.
Gần hai tháng trước, TAND huyện Kế Sách xử chấp nhận cho chị Hoa ly hôn chồng. Tuy nhiên, hai yêu cầu của nguyên đơn là giành quyền nuôi con và hủy giấy khai sinh của UBND xã Đại Hải không được tòa án chấp nhận.
Theo HĐXX, từ ngày sinh con đến khi mở phiên tòa chị Hoa không đi làm và cha mẹ chỉ có 3.000 m2 đất trồng mía, không buôn bán gì thêm. Còn anh Huỳnh thì có thời gian dài chăm sóc con gái nên "phải giao cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng là hợp lý, tránh thay đổi môi trường sống ổn định của trẻ".
Đối với yêu cầu hủy giấy khai sinh, HĐXX không nêu câu nào trong phần nhận định nhưng lại tuyên: "Đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn về việc hủy hai giấy khai sinh".
Trò chuyện với PV, chị Hoa cho biết người mẹ này làm giấy khai sinh cho con trước chồng và có đầy đủ giấy tờ kèm theo khi thực hiện việc hộ tịch. Cũng theo người mẹ này, con chị không thể có hai tên và hai số định danh cá nhân.
Luật sư Nguyễn Khánh Trang, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng, nói rằng án sơ thẩm tuyên chưa đảm bảo quyền lợi của bà mẹ và trẻ sơ sinh theo Khoản 3 Điều 81 luật Hôn nhân Gia đình năm 2015.
"Án sơ thẩm xác định bị đơn đi làm việc tại TP.HCM nên giao con cho mẹ bị đơn nuôi, vậy đã có căn cứ bị đơn không đủ điều kiện nuôi con. Nguyên đơn có đầy đủ điều kiện nuôi con, chưa từng vi phạm nghĩa vụ nuôi con nên án sơ thẩm giao con cho bị đơn trực tiếp nuôi khi bé gái chưa tròn 6 tháng tuổi là không đúng", luật sư Trang nêu quan điểm.
Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)