Khu cách ly đông nghịt người tiếp tế vật dụng, thực phẩm: 'Điểm nóng' nguy cơ lây nhiễm Covid-19

23/03/2020 15:00:42

Việc hàng trăm người tập trung trước cửa các khu vực cách ly phòng Covid-19 để tiếp tế đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm cho người bị cách ly đã dẫn đến nguy cơ lây nhiễm, gia tăng áp lực với lực lượng chức năng.

Đừng biến khu cách ly thành điểm tập trung đông người

Mấy ngày gần đây, tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc Gia TP HCM (quận Thủ Đức, TP HCM) xảy ra tình trạng hàng trăm người tụ tập trước khu vực này để tiếp tế thực phẩm, vật dụng sinh hoạt cho những người phải cách ly. Nguyên nhân do thời gian vừa qua có nhiều ca nhiễm mới tại TP HCM nên số lượng người phải cách ly do tiếp xúc với những người nhiễm Covid-19 tăng cao.

Việc tập trung đông người trước khu vực cách ly là một vấn đề rất đáng lo ngại, có nguy cơ lây lan Covid-19. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân nên ở nhà, hạn chế đến nơi tập trung đông người.

Hơn nữa, việc tập trung đông người để tiếp tế các vật dụng sinh hoạt cho người cách ly vô hình chung tạo áp lực lớn cho lực lượng chức năng. Bởi các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên và nhiều lực lượng khác đã phải rất vất vả khi lượng người đến cách ly gia tăng cao, nay phải giải quyết, vận chuyển thêm đồ tiếp tế từ người thân những người đang cách ly có cả quạt điện, tủ lạnh, phích nước, chăn ga đến đúng người nhận và thực hiện công tác khử trùng dẫn đến quá tải công việc.

Khu cách ly đông nghịt người tiếp tế vật dụng, thực phẩm: 'Điểm nóng' nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Hàng trăm người tập trung trước khu vực cách ly Covid-19 tại KTX Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Trong khi đó, để đảm bảo cho cuộc sống người bị cách ly, lực lượng chức năng đã bố trí trang bị những thiết bị, đồ dùng cần thiết, vật dụng sinh hoạt cho nên không cần thiết cứ vào cách ly thì người thân, gia đình phải tiếp tế đầy đủ đồ dùng như đang ở nhà. Trường hợp cần thiết phải gửi đồ chỉ nên gửi những đồ thật sự thiết yếu như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ dùng cá nhân thường ngày…một cách gọn nhẹ, bảo đảm vệ sinh.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được quy định tại Điều 2, Thông tư số 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo đó, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định được hưởng các chế độ sau:

Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành.

Được miễn chi phí di chuyển từ nhà (đối với trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại nhà nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm phải thực hiện cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh), từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định tại khoản 3, Điều 13 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP .

Căn cứ xác định chi phí di chuyển được miễn là định mức tiêu hao nhiên liệu thực tế của phương tiện vận chuyển người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế. Trường hợp có nhiều hơn một người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế cùng được vận chuyển trên một phương tiện thì mức thanh toán cũng chỉ được tính như đối với vận chuyển một người.

Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ đảm bảo theo đúng các quy định về chuyên môn y tế của việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Luật sư Cường cho biết, đó là quyền lợi, chế độ, sự ưu đãi, đãi ngộ của nhà nước đối với công dân Việt Nam - người có nguy cơ mắc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm covid-19 và những người phải điều trị khi mắc loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Đồng thời, đây là những quy định thể hiện sự nhân văn, nhân đạo và sự quan tâm của đảng và nhà nước đối với công dân khi dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra mà không phải quốc gia nào cũng có quy định như vậy.

Thực tế nhiều quốc gia trên thế giới, công dân của họ phải thanh toán, chi trả mọi khoản chi phí khi khám, điều trị covid-19. Có những người mắc bệnh bị điều trị thì hóa đơn thanh toán có thể lên đến cả tỷ đồng Việt Nam.

Bởi vậy, người dân Việt Nam cần phải biết trân trọng điều này và cùng gánh vác những khó khăn chung của xã hội trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát như thời điểm hiện nay.

Không nên tạo áp lực thêm với lực lượng chức năng, gia tăng nguy cơ lây nhiễm

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, quy định về chế độ ăn, ở, sinh hoạt được thực hiện theo văn bản pháp luật nêu trên.

Địa điểm cách ly có thể là cách ly tập trung tại cơ sở y tế, cách ly tại khu vực biên giới hoặc cách ly tại những khu vực khác do ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp quốc gia hoặc ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh quyết định. Điều kiện cơ sở vật chất của khu vực cách ly phụ thuộc vào khả năng đáp ứng nhu cầu của địa phương ở mức độ nhu cầu thiết yếu, tối thiểu.

Người bị cách ly không phải trả chi phí cho những khoản nêu trên nên không nên đòi hỏi những yêu cầu quá đáng phải quá thể, quá khả năng cung cấp của cơ quan có thẩm quyền.

Theo Luật sư Cường, từ khi thời điểm dịch bệnh bùng phát và phải công bố tình trạng bệnh bệnh tại Việt Nam, phải thực hiện biện pháp cách ly y tế thì các khu cách ly tập trung của Việt Nam vẫn khá ổn, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của người bị cách đi tương đương với điều kiện của bộ đội, sinh viên, thậm chí nhiều nơi còn tốt hơn điều kiện thông thường của bộ đội, học viên, sinh viên...

Khu cách ly đông nghịt người tiếp tế vật dụng, thực phẩm: 'Điểm nóng' nguy cơ lây nhiễm Covid-19 - 1
Tập trung đông người, gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Do đó, sinh viên, người lao động, làm việc ở nước ngoài trở về hoàn toàn có thể sinh hoạt một cách bình thường ở các khu cách ly... Với những người có điều kiện kinh tế khá giả có thể coi đây là một sự trải nghiệm, có thể giảm bớt nhu cầu hằng ngày của mình trước tình trạng dịch bệnh.
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định về đa dạng hóa điều kiện và khu vực cách ly, cũng chưa quy định bắt buộc người cách ly y tế phải trả tiền chi phí trong quá trình cách ly.

Thậm chí, tiền ăn của người bị cách ly theo quy định của pháp luật thì người bị cách ly phải chi trả cho nhà nước nhưng thực tế, chưa có địa phương nào thu khoản chi phí tiền ăn này. Bởi vậy những người cách ly không nên đòi hỏi những nhu cầu quá mức tối thiểu để gây thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Những người thân trong gia đình của những người phải cách ly có thể bổ sung thêm những nhu yếu phẩm, vật phẩm cần thiết tuy nhiên việc có tiếp nhận hay không, tiếp nhận đến đâu thuộc thẩm quyền của đơn vị tổ chức cách ly.

Người thân trong gia đình những người bị cách ly không thể đòi hỏi người bị cách ly phải có cái này, cái khác như điều kiện ở nhà. Điều kiện khu vực cách ly, nhu yếu phẩm,thực phẩm đã đạt tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo quy định, thậm chí còn tốt hơn nên các gia đình có người thân bị cách ly cũng không nên quá lo lắng, gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan chức năng.

Để chuẩn bị cho một khu cách ly rộng lớn hàng ngàn chỗ cho người cách ly phải huy động một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, những tình nguyện viên. Họ đã vất vả phải vật lộn nhiều ngày mới có được một khu cách ly đủ điều kiện tiêu chuẩn. Nhiều sinh viên phải đi tìm chỗ thuê trọ để giường lại chỗ cho người khác đi, nhiều cán bộ, chiến sĩ, học viên trường lực lượng vũ trang phải căng bạt ngủ ngoài rừng để nhường chỗ cho những người cách ly... Do đó, những gia đình có người thân bị cách ly cần phải chia sẻ về điều này, không nên gây thêm áp lực, gánh nặng cho các cán bộ, nhân viên ở khu cách ly.

Theo Luật sư Cường, thời điểm hiện nay việc tiếp xúc với những người bị cách ly, tụ tập đông người để cung cấp thêm các vật dụng sinh hoạt là không cần thiết và rất nguy hiểm.

Việc tụ tập đông người thời điểm hiện nay hoàn toàn có thể gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng và chống lại bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm này.

Khu cách ly đông nghịt người tiếp tế vật dụng, thực phẩm: 'Điểm nóng' nguy cơ lây nhiễm Covid-19 - 2
Luật sư Đặng Văn Cường.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi tổ chức cách ly, khu vực có người dân tập trung đông ở khu vực cách ly thì cần có những tuyên truyền, phổ biến, thậm chí có những biện pháp hành chính cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng và chống lại bệnh việc này.

Nên thu phí tiền ăn uống theo quy định đối với người cách ly

Trước tình hình kiều bào Việt Nam trở về nước ngày càng đông, lực lượng phục vụ cho hoạt động cách ly ngày càng phải bố trí nhiều hơn, chi phí cũng tốn kém hơn, tạo nên áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc thu tiền chi phí ăn uống theo quy định của pháp luật đối với những người cách ly (chỉ trừ người nghèo được hỗ trợ 40.000 đồng theo quy định).

Đồng thời, cũng cần tính đến câu chuyện đa dạng hóa hoạt động cách ly, có thể mở rộng khu vực cách ly ra các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, thậm chí những khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn hạng sang... để phục vụ cho nhu cầu của kiều bào trở về nước cách ly.

Đối với những trường hợp cách ly ngoài khu vực cách ly tập trung theo quy định, thì những trường hợp cách ly khác ( tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng), người bị cách ly phải chi trả toàn bộ chi phí cho việc ăn, nghỉ, sinh hoạt trong quá trình cách ly tại các khu vực sang trọng như khách sạn, khu nghỉ dưỡng.

“Có đa dạng hóa các loại hình như vậy thì mới đáp ứng được hết các yêu cầu của người dân, đồng thời xã hội hóa hoạt động phòng chống dịch và kích cầu, thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển...”, Luật sư Cường cho hay.

Theo Tâm Đức (Kienthuc.net.vn)