Chiều 8/6, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, tiếp thu ý kiến của nhiều cơ quan và người dân, ban soạn thảo dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) "không quy định cứng mọi xe máy đều phải bật đèn nhận diện, mà chỉ áp dụng với xe đã có đèn này theo thiết kế của nhà sản xuất".
Như vậy, xe máy cũ không có đèn nhận diện thì sẽ không bị hồi tố và không cần bật loại đèn khác thay thế. Khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực, xe máy sản xuất mới sẽ bắt buộc có thiết kế đèn nhận diện và tự động bật sáng khi khởi động như thiết kế.
Trả lời câu hỏi về việc đèn xe nhận diện được thiết kế như thế nào, đại diện Tổng cục Đường bộ nói hiện đèn xe nhận diện khá đa dạng loại hình, kích thước nên Cục đăng kiểm sẽ xây dựng tiêu chuẩn để áp dụng với xe sản xuất mới trong nước, đảm bảo độ sáng mà không gây chói mắt người đối diện.
Thời gian qua, quy định về đèn nhận diện xe máy nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó một số người cho rằng áp dụng quy định này ở Việt Nam là chưa phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nên bỏ quy định xe máy phải bật đèn nhận diện. Cơ quan chức năng chỉ nên khuyến cáo các phương tiện sử dụng đèn nhận diện trong điều kiện thời tiết có sương mù hoặc mưa to.
Ông Quyền nói trước đây Công ước về giao thông vận tải quy định nội dung trên với các nước có điều kiện thời tiết khác Việt Nam, phương tiện giao thông chủ yếu là ôtô, xe môtô dễ bị tổn thương nên cần bật đèn để người lái ôtô dễ nhận biết.
Sau khi Ban soạn thảo nhận được góp ý, dự thảo mới nhất Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định theo hướng: "Xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải sử dụng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất".
Nội dung này thay đổi so với dự thảo trước đó là: "Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiều sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau".
Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Về quy định trẻ em phải ngồi ghế chuyên dụng trên ôtô, bà Hoàng Hồng Hạnh cho biết, dự thảo Luật yêu cầu trẻ em đáp ứng một trong 3 tiêu chí (dưới 13 tuổi, dưới 1,3 m, dưới 30 kg) thì phải ngồi ghế trẻ em. Tuy nhiên, quy định này chỉ được áp dụng đối với xe cá nhân, không áp dụng với xe vận tải công cộng, xe khách. Sau khi Luật có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ ban hành các tiêu chuẩn ghế ngồi trẻ em.
"Quy định trẻ em phải ngồi ghế chuyên dụng vẫn đang được ban soạn thảo nghiên cứu, lấy ý kiến", bà Hoàng Hồng Hạnh nói.