10h40 sáng nay, Bộ Y tế gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về công tác tiêm chủng cũng như tình trạng thiếu hụt vắc xin.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tồn tại 2 hình thức tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Nếu tổ chức không tốt sẽ có sự so sánh vắc xin dịch vụ tốt, miễn phí không tốt.
Chương trình tiêm chủng mở rộng cung cấp vắc xin Quinvaxem, thành phần giống vắc xin dịch vụ Pentaxim. Một năm, 4,5 triệu trẻ được tiêm Quinvaxem, người dân ở TP HCM hiện cũng quay lại tiêm Quinvaxem.
"Tuy nhiên, tại sao các bà mẹ lo ngại khi tiêm vắc xin này? Quinvaxem là vắc xin toàn tế bào nên khiến trẻ đau, sốt hơn là vắc xin vô bào Pentaxim. Vì thế, nhiều bà mẹ muốn chuyển sang tiêm dịch vụ", ông Phu nói.
Theo ông Phu, vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 hiện rất khan hiếm, do nhà sản xuất không có khả năng cung cấp nhiều. Nhưng tiêm chủng mở rộng vẫn là ưu điểm số 1. Không vì thông tin không tốt mà gây ảnh hưởng việc tiêm chủng mở rộng.
"Nếu phụ huynh không tiêm chủng mở rộng nữa, không tiêm Quinvaxem, dịch sẽ bùng lên", Cục trưởng Y tế dự phòng chia sẻ.
Nói về tình trạng xếp hàng ở Hà Nội, TP HCM, ông Phu cho rằng, không nên bế trẻ em đi theo vì trời rét rất dễ viêm phổi. Sau khi phụ huynh đăng ký thì điểm tiêm phải đặt lịch hẹn.
"Các điểm tiêm dịch vụ cũng phải tiêm Quinvaxem miễn phí. Các điểm tiêm phải tuyên truyền phụ huynh, thiếu thuốc dịch vụ thì phải quay sang tiêm Quinvaxem đúng lịch, không được chờ thuốc. Tôi chỉ sợ nhất là dịch bùng phát", ông Phu chia sẻ.
Trước đó, tối 24/12, hàng trăm người đã thức trắng đêm tại Phòng tiêm chủng dịch vụ Polyvac (182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội) để chờ liều vắc xin Pentaxim cho trẻ. Tuy nhiên, 7h30 sáng 25/12, cơ sở này thông báo dừng tiêm dù nhiều phụ huynh đã bồng bế con nhỏ đứng chờ nhiều giờ ngoài trời giá rét.
Chiều tối cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ sở tiêm chủng (182 Lương Thế Vinh, Hà Nội) do để xảy ra tình trạng hỗn loạn.
Ông Long yêu cầu các cơ sở tiêm chủng đồng loạt tiêm Pentaxim từ ngày 28/12. Cha mẹ trẻ đến đăng ký mang theo giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân để tránh hiện tượng “cò” vào mua gom vắc xin.
Còn ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, công ty Sanofi Pasteur S.A tại TP HCM thông báo, quý IV năm 2015 sẽ cung cấp cho Việt Nam 141.549 liều vắc xin Pentaxem.
Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã kiểm định xong lô vắc xin nhập khẩu đầu tiên. Số thuốc này được phân bổ cho 31 cơ sở tiêm chủng ở miền Bắc, trong đó Hà Nội có 17 cơ sở tiêm chủng, với 12.300 liều.
>> Người Sài Gòn xếp hàng từ 5h sáng tiêm ngừa cho con
>> Không chỉ Việt Nam thiếu vắc xin 5 trong 1