PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hơn 5 ngày qua không ghi nhận ca mắc mới là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp (tăng nhanh số ca mắc và tử vong) và kéo dài.
Nếu không quản lý hết tất cả 100% các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào. Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, không vào bệnh viện. Như vậy vẫn có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ. Tại Trung Quốc hiện vẫn còn ghi nhận ca bệnh.
Thời gian vừa qua Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế tiếp xúc nhằm hạn chế việc tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.
Tuy nhiên, TS Phu cho rằng không phải 100% trong số hơn 96 triệu người dân nước ta đều thực hiện nghiêm điều này. Người dân vẫn đi lại. Có người mang mầm bệnh mà không biết, họ gặp người khác thì vẫn lây bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Nhắc lại một số sự việc buông lỏng kiểm soát dẫn đến bùng phát dịch trở lại ở một số nơi trên thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện chủ trương cách ly xã hội cần tiếp tục được thực hiện nghiêm và đến ngày 22/4 sẽ có những biện pháp mới.
Theo Thái Hà (Tiền Phong)