Có quy định cụ thể vẫn cố tình lạm thu
Hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về những khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học nhằm không tạo áp lực cho gia đình học sinh.
Các khoản tiền đó được định danh rất rõ để ‘phòng chống’ lạm thu như bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…
Quy định là vậy, nhưng hàng chục năm qua, tình trạng các nhà trường lạm thu tiền phụ huynh, nhất là thời điểm đầu năm học luôn là chủ đề làm dư luận xôn xao và làm báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Xin nêu một số dẫn chứng dưới đây.
Đầu năm học 2023 - 2024, Trường THPT Thanh Miện 3, tỉnh Hải Dương làm dư luận địa phương phản ứng dữ dội khi phụ huynh có con học lớp 10 phải gánh tới 21 khoản thu cùng lúc, với tổng số tiền gần 9 triệu đồng/1 học sinh.
Cũng ở tỉnh Hải Dương, Trường tiểu học Kim Tân (huyện Kim Thành), thông báo các khoản thu tới 5 triệu đồng/1 học sinh, trong đó có những khoản vô lý, thậm chí chồng chéo nhau như: tiền trực nhật, tiền vệ sinh trường, lớp; tiền photo…
Tại Hà Nội, một phụ huynh có 2 con theo học trường công lập ở bậc tiểu học và THCS phản ánh, số tiền dồn đầu năm của các con lên đến hơn chục triệu đồng gồm: sách giáo khoa, đồng phục, quỹ lớp... khiến gia đình phải chật vật xoay sở.
Tháng 2/2023, dư luận TP. Vinh (Nghệ An) xôn xao về chủ trương của Trường THPT Hà Huy Tập và Tường THPH Huỳnh Thúc Kháng vận động phụ huynh tài trợ để xây dựng, sửa sang nhà trường trên 1 triệu đồng/1 học sinh.
Lý giải về chủ trương này, ông Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết, tổng nguồn vốn còn thiếu cần huy động tài trợ là hơn 13 tỷ đồng và để đủ số tiền này, trường phải vận động học sinh đóng góp trong nhiều năm tới.
Còn ông Phan Xuân Phàn, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, biện minh, vừa qua trong buổi họp phụ huynh đầu học kỳ II, nhà trường mới chỉ thông qua chủ trương vận động tài trợ với phụ huynh. Thu bao nhiêu và triển khai thu như thế nào, trường chưa thực hiện.
Đầu năm học 2022 - 2023, phụ huynh của trên 100 học sinh khối lớp 1 Trường tiểu học công lập Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, được giáo viên chủ nhiệm thông báo mỗi học sinh phải đóng gần 1 triệu đồng để mua bàn ghế, bảng.
Còn tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP.HCM), phụ huynh được thông báo ngoài các thu theo quy định, mỗi học sinh phải đóng 12.000 đồng/tháng để điểm danh bằng máy và 50.000 đồng/tháng tiền sử dụng máy tính. Với hai khoản thu này, cả năm học (9 tháng), với trên 2.000 học sinh, Trường Nguyễn Công Trứ đã thu của phụ huynh trên 1,1 tỷ đồng.
Cũng đầu năm học 2022 - 2023, một trường THPT ở quận Lê Chân (TP. Hải Phòng), vận động phụ huynh quyên góp tiền xây trạm biến áp, mỗi học sinh phải đóng trên 700.000 đồng.
Như vậy, dù Bộ GD&ĐT đã có quy định rất rõ ràng về các khoản thu đối với phụ huynh, nhưng nhiều trường học trên phạm vi cả nước vẫn cố tình lạm thu.
Vô lý và bất thường
Khi học sinh mang sách đến trường, một trong những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt các em là những khẩu hiệu hàm chứa những triết lý tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà như: “Tiên học lễ, hậu học văn”; "Học để làm người"; “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”; “Học đi đôi với hành”; “Học trò là trung tâm”; “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”...
Không những vậy, các em còn được biết đến Cuộc vận động mà nội dung của nó là khẩu hiệu hành động của đội ngũ nhà giáo: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Những câu khẩu hiệu này dẫu ngày ngày thấm vào ký ức các em nhưng nó chỉ trở thành kim chỉ nam hành động cho các em khi nhà trường thật sự trở thành “Trường học thân thiện” và “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức...”.
Trong khi đó trên thực tế, ở một góc độ nào đó vẫn có sự lạm thu, trong đó nhiều khoản thu hết sức vô lý. Tình trạng đó không thể không ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm của học sinh.
Các em sẽ suy nghĩ và đánh giá như thế nào về nhà trường, về thầy cô giáo - những tổ chức và những con người vừa phải đi đầu vừa phải là tấm gương thực hiện những câu khẩu hiệu trên đây nhưng lại lạm thu tiền của phụ huynh?
Phải khẳng định, việc lạm thu tiền phụ huynh học sinh không chỉ là việc làm trái quy định mà nguy hại hơn, đó là việc làm phản giáo dục, gieo vào tiềm thức học sinh những ấn tượng không tốt về thầy cô, giáo - những người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, khơi dậy sáng tạo, chắp cánh ước mơ cho các em.
Ngân sách giáo dục có eo hẹp đến mức phải lạm thu?
Ngân sách quốc gia đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, có xu hướng tăng đều trong từng năm, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%.
So với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%) và nhiều quốc gia khác, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam trong tổng chi ngân sách không thấp.
Cho nên ngân sách dành cho giáo dục không eo hẹp đến mức các nhà trường phải lạm thu tiền của phụ huynh học sinh từ năm học này sang năm học khác để chi cho đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp; mua sắm bàn ghế, đồ dùng dạy học và nhiều khoản chi phí bất hợp lý khác.
Bởi vậy, việc phân bổ, sử dụng ngân sách dành cho giáo dục phải hợp lý, không để ngân sách giáo dục thất thoát hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng trong các vụ tham nhũng ở cấp sở, cấp phòng giáo dục như ở các tỉnh trong những năm vừa qua. Đồng thời phải khắc phục tình trạng lãng phí trong mua sắm đồ dùng, phương tiện dạy học.
Để xóa bỏ tình trạng lạm dụng huy động đóng góp của phụ huynh học sinh, Bộ GD&ĐT và các cấp chính quyền địa phương cần tiếp tục ban hành quy định chặt chẽ, cụ thể về những khoản nhà trường được kêu gọi đóng góp từ phụ huynh, học sinh.
Với những trường hợp vi phạm, không thể dừng lại ở điệp khúc quen thuộc “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc” mà phải truy cứu trách nhiệm, xử lý kỷ luật, cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, cần phải công khai minh bạch đến phụ huynh, học sinh việc phân bổ ngân sách giáo dục hàng năm từ cấp bộ đến cấp trường; công khai minh bạch trong đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; nội dung, chủng loại mua sắm phương tiện, đồ dùng dạy học; và thu chi các khoản huy động đóng góp của phụ huynh học sinh.
Đây là những giải pháp không chỉ đảm bảo cho sự minh bạch, trong sạch trong quản lý tài chính mà quan trọng hơn là tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh trong nhà trường.
Chỉ có như vậy mới đào tạo cho đất nước những thế hệ học sinh, sinh viên vừa có tri thức vừa có đạo đức, nhân cách, là nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định cho sự thịnh vượng, văn minh của quốc gia.
Theo Nguyễn Huy Viện (VietNamNet)