'Không thể có đô thị đáng sống nếu lãnh đạo thiếu tầm nhìn'

27/05/2019 06:56:46

Vị đại biểu Quốc hội cho rằng Hà Nội và TPHCM đã xảy ra những vấn nạn điển hình cho các đô thị quy hoạch kém trên thế giới.

Sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Chúng tôi có cuộc trao đổi với đại biểu, luật sư Trương Trọng Nghĩa về nội dung này.

'Không thể có đô thị đáng sống nếu lãnh đạo thiếu tầm nhìn'
Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

- Là thành viên đoàn giám sát của Quốc hội, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề đất đai đô thị hiện nay?

- Thành tựu là rất lớn và không thể phủ nhận trong toàn bộ quá trình khai thác tài nguyên đất đai. Nhà nước đã nỗ lực quản lý việc sử dụng đất đai bằng pháp luật, hình thành khung pháp lý và thể chế hành chính trong quản lý, sử dụng, chiếm hữu, chuyển nhượng đất đai nói chung và đất đai đô thị nói riêng. Nhiều đô thị với những công trình hiện đại phục vụ cho quốc kế, dân sinh ra đời, đóng góp không nhỏ cho ngân sách quốc gia và cho nhu cầu cuộc sống của người dân.

Nhưng cũng như nhiều lĩnh vực khác, rất tiếc, việc quản lý đất đai đô thị đã xảy ra những khuyết điểm nghiêm trọng. Lĩnh vực này chịu tác động của hai áp lực lớn là đô thị hóa và quá trình hình thành thị trường đất đai. Trước hai áp lực đó, nhiều cơ quan nhà nước lúng túng do thiếu kinh nghiệm, lại thêm luật pháp có những điểm chưa rõ ràng, chưa hợp lý, nên xảy ra không ít sai sót.

- Liên quan đến áp lực đô thị hoá, người dân ở Hà Nội và TP HCM hàng ngày phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải hạ tầng. Trong khi đó, cao ốc thương mại, chung cư vẫn mọc lên chủ yếu ở nội thành. Ông nghĩ sao?

- Việt Nam đã hội nhập với thế giới hơn 30 năm, có đủ kiến thức và năng lực quy hoạch và sử dụng đất đai đô thị nhằm tạo ra những đô thị đáng sống, có hạ tầng giao thông và kỹ thuật đầy đủ và hiện đại, môi trường sống văn minh, xanh sạch. Tuy nhiên, đất đai nhiều đô thị có tình trạng khai thác quá nhiều vào việc phát triển bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp, vượt quá khả năng mua của đa số người dân; có xu hướng dồn nén vào nội đô để bán giá cao.

Trong khi đó, các hạ tầng giao thông và kỹ thuật, các công trình xã hội, không gian công cộng bị xem nhẹ, bỏ qua. Do đó, phần lớn các đô thị hiện nay, kể cả hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM đã xảy ra những vấn nạn điển hình cho các đô thị quy hoạch kém trên thế giới là ngập nước thường xuyên, ô nhiễm nghiêm trọng và thiếu hụt trầm trọng phương tiện giao thông công cộng. Những vấn nạn này gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, nhất là cho cuộc sống của người dân.

- Qua giám sát, đâu là những khuyết điểm, vi phạm liên quan đến đất đai đô thị đã được ghi nhận, thưa ông?

- Có thể kể đến như xây dựng trái phép hay vi phạm giấy phép xây dựng; quy hoạch đô thị chất lượng thấp, không bền vững; quy hoạch chi tiết thường xuyên bị điều chỉnh theo lợi ích của các chủ dự án, bất lợi cho lợi ích người tiêu dùng hoặc xã hội; tình trạng lấn sông, lấn biển, tư nhân hóa các bờ sông, bờ biển.

Ngoài ra, có tình trạng dự án xâm hại các di tích lịch sử, văn hóa, các khu bảo tồn; xâm hại môi trường; đặc biệt, tình trạng nhiều khu đất "vàng" thuộc nhà nước đã bị tư nhân hóa bằng cách cho thuê hay chuyển nhượng không đúng quy định, thấp hơn giá trị, gây tổn thất lớn.

- Nguyên nhân của các khuyết điểm, vi phạm đó là gì?

- Ở trên tôi đã đề cập một phần nguyên nhân khi nói đến hai áp lực đối với đất đai đô thị. Ngoài ra, đáng quan tâm, lo ngại và gây bức xúc lớn là tình hình thoái hóa, biến chất của nhiều cán bộ, công chức, kể cả ở cấp rất cao, thể hiện qua các vụ án lớn và các vụ kỷ luật đã và đang diễn ra.

Cán bộ, công chức tham nhũng đã tạo điều kiện, tiếp tay cho các nhóm lợi ích tiêu cực, các cá nhân xấu lũng đoạn quy trình pháp lý, làm thiên lệch cán cân lợi ích, đặc biệt là xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của rất nhiều tầng lớp nhân dân ở các vùng miền, địa phương; gây thiệt hại, tổn thất lớn cho lợi ích xã hội mà nhà nước là đại diện. Đây là nguyên nhân chính của nhiều vấn nạn, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai ở đô thị.

'Không thể có đô thị đáng sống nếu lãnh đạo thiếu tầm nhìn' - 1
Dự án bất động sản lấn sông Hàn (Đà Nẵng) đã được thành phố điều chỉnh quy hoạch giảm mật độ xây dựng nhà cao tầng. Ảnh: Nguyễn Đông.

- Thống kê lâu nay cho thấy đa số khiếu kiện liên quan đến đất đai, trong đó có đất đai đô thị. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Rất tiếc là đã hơn 30 năm khai thác đất đai để phát triển đô thị, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được một điều phải làm, đó là hài hòa lợi ích, trong đó, ưu tiên cho lợi ích của nhân dân, nhất là người dân bị mất đất. Nhiều quyết định về quy hoạch, về đền bù, tái định cư ở địa phương đã gây thiệt thòi và bất công cho lợi ích của người dân, trong khi đó lại giúp cho các chủ dự án hưởng lợi lớn. Thủ Thiêm là một ví dụ, nhưng còn rất nhiều "Thủ Thiêm khác" với quy mô lớn nhỏ ở nhiều tỉnh, thành khác.

Quy hoạch treo, dự án treo cũng là hiện tượng không phải cá biệt, có trường hợp kéo dài trên hai mươi năm, gây nhiều thống khổ cho người dân trong khu vực đó. Những sai phạm, thiếu sót trong quản lý, sử dụng đất đai đô thị gây bức xúc mạnh, làm xói mòn niềm tin của người dân.

Có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, bởi vì tất cả những chuyện nêu trên là thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Hài hòa, tôn trọng lợi ích của nhân dân và lợi ích của xã hội thì sẽ bớt khiếu kiện.

Đoàn giám sát cũng đã nhận thấy những điểm bất cập, bất hợp lý trong quy định về đất đai hiện hành, và đã tiếp nhận nhiều kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, của cử tri, trong đó có vấn đề phương pháp tính giá đất (ví dụ, giá đất xác định chưa phù hợp với giá thị trường gây thất thoát nguồn thu ngân sách, dẫn đến khiếu nại của người có đất thu hồi). Đoàn đã trình bày trong báo cáo tổng hợp để Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, sửa chữa, bổ sung các quy định pháp lý hiện hành, kể cả Luật Đất đai.

- Đến nay đã có 22 tỉnh, thành thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Ông nhận xét như thế nào về việc sử dụng tài sản công theo hình thức này?

- Theo tôi, vấn đề không phải là sử dụng tài sản công mà vấn đề là có sự trao đổi ngang giá hay không. Khác với BOT - nhà đầu tư thu hồi vốn thông qua việc khai thác và thu phí kéo dài nhiều năm, BT là nhà nước mua lại dự án khi xây dựng xong và trả tiền ngay, không có tiền thì trả bằng tài sản khác, như đất đai, tất cả đều là tài sản công. 

Tất nhiên, giá của dự án BT phải tính cả lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư. BT, cũng như các mô hình hợp tác công tư PPP khác, là những cách thức huy động vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng, đã có kinh nghiệm tốt ở nhiều nước. Vì vậy, tôi nhấn mạnh, vấn đề là có sự tiêu cực trong tính toán, dẫn đến sự chênh lệch giá gây thiệt hại cho nhà nước hay không. BT giống như chiếc xe tốt, tai nạn là do người sử dụng xe, không phải do chiếc xe.

- Là đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là một luật sư, ông kiến nghị gì để việc quản lý đất đai đô thị ngày càng tốt hơn?

- Những kiến nghị của tôi đã phần nào được trình bày và tích hợp trong báo cáo giám sát. Tôi chỉ muốn nói thêm là: đất đai ở đô thị hay đất đai đô thị hóa là một nguồn tài nguyên lớn, một nguồn lực lớn để phát triển đất nước nếu chúng ta làm đúng. Phải xử lý hài hòa giữa lợi ích của xã hội, lợi ích của người dân và lợi ích của nhà đầu tư; lợi ích ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội. 

Có những quốc gia thành công, biến đất nước họ thành những đô thị và những làng mạc đáng sống cho người dân, và đó là điều kiện để phát triển bền vững. Không ít quốc gia ở các châu lục đã thất bại trong việc này, nguồn lực không còn nữa, sai lầm thì không sửa chữa được. Chúng ta hãy học tập những ví dụ tốt, nhưng muốn vậy, chúng ta phải có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn hàng trăm năm, những cán bộ, công chức biết hành động và quyết định vì những lợi ích cao hơn cái ghế và túi tiền của mình.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)