Nếu ông không phải là bí thư, bộ trưởng, chủ tịch, còn lâu người ta mới đề bạt con cháu. Con nông dân học giỏi tại sao không xin việc được?
Mọi thứ đều đúng quy trình
Trong năm nổi lên nhiều vụ bổ nhiệm cán bộ, nhiều ý kiến cho rằng đó là biến tướng của tham nhũng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng như ĐB Lê Thanh Vân cảnh báo. Vậy các quy định về phòng chống tham nhũng hiện nay đề cập vấn đề này thế nào?
Tất cả mọi thứ bây giờ đều đúng quy trình cả, không ai nói không đúng quy trình đâu. Người ta cũng bỏ phiếu từ trên xuống dưới đầy đủ, không có gì sai.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt. (Ảnh: Thu Hằng) |
Nhưng thực tế rất vô lý. Anh không phải bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng thì ai dám đề xuất con anh, cháu anh.
Như tôi là con nông dân thì cấp dưới có dám đề xuất không. Bởi vì mác của ông thế rồi người ta mới đề xuất chứ. Người ta có chú ý đến người tài đâu mà chú ý đến cái mác của người đó để xem xét con cái, người thân của ông đó, bà đó để đề xuất.
Đúng quy trình nhưng quy trình áp với thực tiễn không đi vào cuộc sống, không đúng với thực tế, mục đích của Đảng về việc bổ nhiệm cán bộ có tài có đức thì phải xem lại quy trình đó có đúng không để cải tổ lại.
Quy trình là tập thể nhưng tập thể thì lại xảy ra chuyện tôi vì anh, anh vì tôi chứ không vì cái chung. Như Hải Dương 44/46 người làm lãnh đạo cả không thấy ai nhân viên cũng quy trình đúng cả thì đó là quy trình bậy.
Theo ông, việc bổ nhiệm như vậy có phải là biến tướng của tham nhũng như ĐB Trương Trọng Nghĩa từng nói không?
- Để kết luận có tham nhũng hay không là một vấn đề phức tạp và khó. Bởi vì quá trình bổ nhiệm là do tập thể quyết định, người ta nói chỉ là một cá nhân, chỉ 1 phiếu thôi.
Ai có thể kết luận được bí thư chỉ định việc bổ nhiệm này, không có. Vì từ dưới cơ sở giới thiệu lên cơ mà.
Thậm chí có ông bí thư bảo bổ nhiệm con tôi thì tôi mang tiếng lắm nhưng bên dưới cứ bảo con ông là việc con ông, chúng tôi giới thiệu người tài. Trong khi bây giờ đánh giá cán bộ tài hay không tài là cả vấn đề.
Nếu làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của những người này thì được nhưng cái này cũng rất khó khăn. Bởi, muốn quy kết có tham nhũng hay không phải chứng minh yếu tố vụ lợi.
Còn nếu không chứng minh được thì không thể nói tham nhũng được. Ở Tây thì chẳng cần chứng minh vụ lợi, tư lợi gì hết, làm cái này sai là sai, tham nhũng là tham nhũng. Còn mình cứ phải chứng minh yếu tố vụ lợi rất khó khăn.
Nếu ông không phải là bí thư, bộ trưởng, chủ tịch còn lâu người ta mới đề bạt con cháu ông. Con nông dân học giỏi đầy ra đấy tại sao không xin việc được. Đấy là vấn đề.
Ông Vũ Huy Hoàng phạm luật Phòng chống tham nhũng
Như trường hợp của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giới thiệu con trai để bổ nhiệm vào vị trí khá nhạy cảm trực thuộc bộ của ông quản lý là quá rõ?
Tuy ông Hoàng không quyết định bổ nhiệm trực tiếp mà do HĐQT Sabeco bầu nhưng ông Hoàng là thành viên ở đấy nhưng lại giới thiệu con trai cho HĐQT bầu là vi phạm.
Nhưng văn bản giới thiệu con ông Hoàng là do thứ trưởng Bộ Công thương trực tiếp ký, vậy có truy trách nhiệm ông ấy được không?
- Dù văn bản giới thiệu là thứ trưởng ký đi nữa thì ông ấy là Bộ trưởng, là người đứng đầu thì người khác ký ông vẫn phải chịu trách nhiệm. Và cũng bởi vì con ông thì HĐQT mới bầu chứ con ông Đạt sao người ta bầu được. Còn nếu để HĐQT Sabeco tự tìm người lại là chuyện khác.
Đây là trường hợp rất cụ thể. Con ruột của mình, mà mình lại làm quản lý có quyền chỉ đạo cả HĐQT cơ mà. Trường hợp này khác với ông bí thư chỉ được chỉ đạo về mặt chủ trương chứ không có quyền quyết định như ông bộ trưởng. Ở đây ông Hoàng giới thiệu bổ nhiệm con trong lĩnh vực kinh doanh do ông trực tiếp quản lý thì rõ quá rồi.
Trong thực tế có nhiều trường hợp cấp dưới đề nghị bổ nhiệm con cháu của cấp trên vào vị trí này vị trí nọ nhưng họ sẵn sàng bỏ, vì ngại mang tiếng. Như trường hợp con của Tổng bí thư có nhiều chỗ đề bạt nhưng Tổng bí thư có đồng ý đâu.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)