Chủ tịch Hội An toàn giao thông VN cho rằng, không nên đặt lại điều kiện cấp GPLX 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay, bởi mỗi lần thay đổi sẽ rất phức tạp.
Theo Chủ tịch Hội An toàn giao thông VN Nguyễn Văn Quyền, hiện nay thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) ô tô 10 năm chỉ được cấp đối với xe con. Còn với lái xe kinh doanh, xe tải, xe khách, thời hạn vẫn là 5 năm trở xuống.
Thủ tục cấp GPLX đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. |
Việc nâng thời hạn GPLX ô tô lên 10 năm là do sức khỏe và tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên, đặc biệt để cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho người dân.
Chủ tịch Hội An toàn giao thông VN cho rằng, không nên đặt lại điều kiện thời hạn GPLX 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay, bởi mỗi lần thay đổi sẽ rất khó khăn phức tạp.
Ngoài việc liên quan đến thay đổi phần mềm quản lý thì còn rất khó khăn cho quản lý hành chính.
“Trong điều kiện cần thiết thay đổi thì phải lấy ý kiến các cơ quan chức năng, người dân chứ không phải đơn giản thay đổi được ngay, nhất là khi đây mới chỉ là ý kiến của Công an ở một địa phương”, ông Quyền nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, mục tiêu của việc nâng thời hạn GPLX từ 5 năm lên 10 năm ngoài việc được tham khảo các nước trên thế giới thì còn nhằm mục đích cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.
“Hiện cả nước có hơn 5 triệu ô tô các loại, nếu sát hạch cấp lại theo thời hạn 5 năm sẽ mất rất nhiều thời gian cho cả cơ quan quản lý và người dân”, ông Thái nói.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Đường bộ VN nói rõ, trước đây quy định cấp GPLX có thời hạn 3-5 năm, nhưng theo Nghị quyết 45 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và đã được xem xét kỹ rồi mới nâng thời hạn lên 10 năm như hiện nay.
Lái xe được khám sức khỏe hàng năm
Xung quanh đề xuất khám sức khỏe hàng năm cho lái xe, đại diện Tổng Cục Đường bộ cũng cho rằng, theo luật Lao động, lái xe kinh doanh đều phải kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm.
Người dân đã bớt phiền hà trong việc cấp đối GPLX. |
Do vậy, không nhất thiết phải tổ chức khám sức khỏe thêm hàng năm, làm thủ tục thêm phiền hà.
Đồng tình quan điểm không nên bắt buộc lái xe khám sức khỏe hàng năm, tuy nhiên ông Nguyễn Trọng Thái nêu thực tế hiện nay việc khám sức sức khỏe để cấp đổi GPLX vẫn còn mang tính hình thức. Nhiều người đi khám sức khỏe qua loa và bằng cách này cách khác để có đủ điều kiện để tham gia cấp đổi giấy phép.
Cần phải siết chặt việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe lái xe.
Về đề xuất mỗi tài xế khi làm thủ tục cấp giấy phép lái xe được cơ quan chức năng cấp kèm theo 10 điểm sau đó sẽ được trừ tương ứng với mức độ lỗi vi phạm..., đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho rằng việc này không cần thiết, vấn đề quan trọng là ở sự phối hợp quản lý giữa lực lượng tuần tra kiểm soát với đơn vị quản lý GPLX.
“Hiện nay tất cả đã được quản lý bằng công nghệ thông tin, Tổng cục đã có phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu. Nếu người điều khiển vi phạm lực lượng tuần tra có thể cập nhật hoặc chuyển cho đơn vị quản lý cập nhật chứ không nhất thiết phải cấp 10 điểm để trừ dần”, đại diện Tổng cục Đường bộ VN nói rõ.
Theo Gia Văn (VietNamNet)