Những năm trước, việc thuyết phục người dân miền núi mua bảo hiểm y tế (BHYT) là rất khó khăn. “Nhưng giờ đây hầu hết dân trong bản đều mua thẻ BHYT bởi tấm thẻ được coi là bảo bối trong lúc bệnh tật” – ông Quàng Văn Phóng – Trưởng bản Hụm, xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết.
Xã Chiềng Xôm là một địa bàn còn nhiều khó khăn của TP. Sơn La. Đây là nơi cư trú của hàng nghìn hộ gia đình dân tộc Thái, hầu hết đều làm nông nghiệp nên tiền bạc phải tính toán từng đồng. Bởi thế việc có tham gia “mua BHYT hay không mua” ở đây cũng được cân đong đo đếm cẩn thận.
Nhiều nông dân bản Hụm tự nguyện tham gia BHYT. Ảnh: V.C |
Còn chị Đèo Thị Diên, (dân bản Hụm) thì không quên được câu chuyện sinh nở trong hoàn cảnh khó khăn: “Tôi sinh con đầu lòng khi chưa mua BHYT nên cũng tốn kém không ít tiền của. Miếng ăn phải tính từng bữa; cái áo, cái tã cho con không dám mua nhưng vẫn phải chi viện phí những khoản tiền rất lớn mà lẽ ra tôi có thể được BHYT chi trả. Khi ấy mới hiểu là không nên tiết kiệm khoản tiền mua BHYT”. Anh Quàng Văn Phấn ở bản Hụm vẫn chưa hết xót xa bởi số tiền anh phải tự bỏ ra chi trả chữa trị vết thương do tai nạn lao động lên tới hơn 20 triệu đồng từ hơn nửa năm trước. Anh Phấn kể: “Trước Tết Nguyên đán vừa qua, do bất cẩn trong lao động, tôi bị lưỡi máy cưa cắt vào bàn tay trái. Cả 5 ngón tay đều bị thương, có ngón bị đứt gân, ngón thì đứt thấu xương, mất rất nhiều máu. Khi vào bệnh viện, do tôi không có thẻ BHYT nên gia đình đưa ra cơ sở y tế tư nhân làm dịch vụ, nối lại gân, xương. Tuy vết thương lành nhưng cái tết đó cả nhà đều ảm đảm vì không có tiền ăn tết”. Số tiền hơn 20 triệu đồng đó, anh Phấn dành dụm để mua lấy đôi bò, giờ đã đổ hết vào chữa bệnh.
Mua tấm thẻ BHYT “lận lưng”
Những “cú sốc” về khoản tiền chi phí khám, chữa bệnh đã giúp gia đình anh Phấn, chị Diên ở bản Hụm đi đến quyết định tham gia BHYT. “Tôi không chỉ mua BHYT cho mình mà còn mua cho cả chồng, con và người thân. Tuy tốn kém lúc ban đầu nhưng chúng tôi hiểu rằng không tham gia BHYT thì có thể thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều. Người nghèo như chúng tôi, khi cần vay mượn rất khó khăn. Trong khi bệnh tật có chờ được đến khi có tiền mới chữa đâu” – chị Diên nói.
Đưa những tấm thẻ BHYT còn mới tinh cho chúng tôi xem, bà Lò Thị Uôn (bản Hụm), cho biết, nhà bà có 8 khẩu, trong đó 4 người nằm trong diện được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí (người già, trẻ em dưới 6 tuổi). 4 người còn lại đều đã tham gia BHYT từ 4 năm trước. “Con người bằng xương, bằng thịt chứ không phải sắt đá nên không thể tránh khỏi những lúc ốm đau, bệnh tật. Con nhà nông như chúng tôi quanh năm vất vả ruộng, nương, nắng gió nên ốm đau là không thể tránh khỏi. Khi ấy, thẻ BHYT sẽ đỡ gánh nặng tiền bạc cho mình. Ở đây, nhiều người nếu không có BHYT thì đã về với tổ tiên bởi người nghèo lấy đâu ra tiền mà chữa trị những bệnh nặng” - bà Uôn chia sẻ.
Ông Quàng Văn Phóng – Trưởng bản Hụm, cho biết bản có 140 hộ đồng bào dân tộc Thái, với hơn 500 khẩu. Đến nay, tỷ lệ người có BHYT chiếm hơn 70% dân số của bản, trong đó nhiều người tham gia BHYT tự nguyện. Cách đây mấy năm, việc vận động bà con dân bản mua BHYT rất khó khăn. Ban quản lý bản đã đến từng hộ tuyên truyền, giải thích về mục đích, ý nghĩa cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT tự nguyện, sẽ giảm được chi phí khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
“Mưa dầm thấm lâu, nhiều hộ gia đình đã tự giác tham gia BHYT cho tất cả thành viên trong nhà. Bản sẽ tiếp tục vận động và tìm cách hỗ trợ những hộ khó khăn để hết năm 2017 này, 100% người dân có thẻ BHYT”- ông Phóng vui mừng cho biết.
Chúng tôi hiểu rằng không tham gia BHYT thì có thể thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều. Người nghèo như chúng tôi, khi cần vay mượn rất khó khăn. Trong khi, bệnh tật có chờ được đến khi có tiền mới chữa đâu”. Chị Đèo Thị Diên |
Theo V.Chiên (Dân Việt)