Ô nhiễm giữa ngày gió mùa
Hôm 23/2, miền Bắc đón một đợt không khí lạnh tràn về gây mưa nhỏ rải rác. Điều kiện mưa và gió mùa thường giúp chất lượng không khí được cải thiện. Tuy nhiên, thành phố vẫn trải qua một ngày ô nhiễm không khí nhẹ khi chỉ số chất lượng không khí sáng qua phổ biến ở ngưỡng đỏ (ngưỡng có hại cho sức khoẻ tất cả mọi người) và ngưỡng cam (bắt đầu ảnh hưởng đến nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).
Lẫn trong sương mù, mưa phùn, mưa nhỏ hôm qua là thành phần bụi mịn PM 2,5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí, có khả năng gây ra các bệnh về hô hấp và tim mạch.
Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ nhận định, trong 3 ngày từ 24-26/2, chất lượng không khí ở Hà Nội chưa được cải thiện, vẫn phổ biến ở ngưỡng cam đến đỏ. Mọi người nên hạn chế tham gia hoạt động ngoài trời. Nếu tham gia, nên sử dụng khẩu trang có khả năng lọc bụi mịn PM2,5.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vẫn đang trong mùa ô nhiễm không khí, dự kiến kéo dài đến tháng 3-4 hằng năm, khi mùa mưa bắt đầu.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau ghi nhận số ngày chất lượng môi trường không khí ở mức kém (VN_AQI = 101 - 150) cao hơn so với các tháng mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8).
Báo cáo lý giải, mức độ ô nhiễm trong không khí ngoài phụ thuộc vào số lượng và tính chất của nguồn phát thải, còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố khí tượng (hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm tương đối, lượng mưa). Các yếu tố này liên quan mật thiết đến sự hình thành, tích tụ và phân tán chất ô nhiễm không khí và bụi vào môi trường xung quanh. Mùa hè điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc khuếch tán chất ô nhiễm trong khi mùa đông điều kiện thời tiết có thể khiến chất ô nhiễm tích tụ gần mặt đất, gây ra các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.
Lo ngại làng nghề, giao thông
Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, tại các thành phố lớn, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những nguồn phát thải lớn nhất. Theo báo cáo Hiện trạng môi trường TPHCM năm 2021, loại hình này đóng góp khoảng 75% lượng phát thải bụi PM2,5. Tại Hà Nội, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Báo cáo môi trường quốc gia cũng điểm tên ngành công nghiệp có lượng phát thải lớn gồm khai thác khoáng sản, năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất thép. Bên cạnh các nguồn nội tại, Hà Nội chịu ảnh hưởng từ các nguồn thải công nghiệp ở các địa phương lân cận khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.
Đặc biệt, Hà Nội chịu tác động từ các làng nghề. 3 nhóm làng nghề gồm tái chế (kim loại, giấy, nhựa...), vật liệu xây dựng và chế biến nông sản, thực phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao. Nguồn thải từ các làng nghề chủ yếu do sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất, phụ gia trong quá trình sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề thải kim loại, nhựa tái chế gây ô nhiễm lớn nhất, quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn... làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm.
Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và chất thải rắn gây ô nhiễm mùi, phát tán các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3. Các làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi khí SO2, NO2. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.
Báo cáo cũng điểm danh một “thủ phạm” khác gắn liền với quá trình đô thị hoá là hoạt động xây dựng các khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng, vừa gây ô nhiễm bụi, vừa phát sinh tiếng ồn lớn.
“Mặc dù đã có quy định che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, rửa xe trước khi ra khỏi công trường, phun nước rửa đường... nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng vẫn là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể”, Báo cáo môi trường quốc gia.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác cần đẩy nhanh việc kiểm kê phát thải để xác định được các cơ sở phát thải lớn. Từ đó có giải pháp giải quyết các nguồn gây ô nhiễm trọng điểm.
Đối với khu vực nông thôn, các hoạt động dân sinh như đốt ngoài trời, bao gồm cả đốt rác thải, đốt rơm rạ không đúng quy định cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)