Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên nhiệt độ khu vực miền Bắc đã giảm đáng kể, nhất về đêm và sáng sớm và ở khu vực miền núi.
Tại khu vực đồng bằng Bắc bộ như Thủ đô Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng xuống mức 20-22 độ C, người dân cảm thấy se lạnh. Còn tại khu vực miền núi cao như Sa Pa, Sìn Hồ… nhiệt độ xuống dưới 15 độ C.
Theo đó, vào sáng 23/9, nhiệt độ thấp nhất tại vùng núi cao Tây Bắc đã giảm xuống còn từ 15-18 độ C, một số nơi chạm ngưỡng rét đậm, rét hại như: Sìn Hồ (Lai Châu) là 11,6 độ C, Sa Pa (Lào Cai) là 13,9 độ C, thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) 13,8 độ C, Mù Cang Chải (Yên Bái) 12,8 độ C. Tại thành phố Sơn La, về đêm và sáng trời rét, nhiều người phải mặc áo khoác.
Dự báo, không khí lạnh tiếp tục dồn xuống nước ta nên từ nay đến ngày 30/9, các tỉnh Bắc bộ tiếp tục duy trì kiểu thời tiết hanh khô với nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm, miền núi phổ biến mức từ 15-18 độ C, vùng núi cao dưới 15 độ C.
Liên quan đến một số thông tin nhận định, khu vực Sa Pa, Sìn Hồ… năm nay xuất hiện rét sớm bất thường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện đã vào tiết thu phân, trong khi đó, khu vực Sa Pa (Lào Cai) có độ cao đến 3.000m, bởi vậy, nhiệt độ xuống mức 12-13 độ C là bình thường. Và, hiện đã là những ngày cuối tháng 9, nên việc xuất hiện rét ở khu vực miền núi cao cũng theo quy luật, không có gì bất thường.
Về tình hình mùa Đông năm nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, theo dự báo xa, 3 tháng chính mùa Đông là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 năm 2020.
Thống kê của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy, nhiệt độ 20 ngày đầu tháng 9/2019 trên cả nước đa số đều cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể, tại khu vực Hà Nội, trong 20 ngày đầu tháng 9/2019 nhiệt độ là 29,9 độ C, cao hơn TBNN khoảng 1,6 độ C.
Nhiều khả năng mùa Đông năm nay sẽ ấm hơn
Đối với mùa Đông năm nay, theo nhận định mới nhất, nhiệt độ tháng 12/2019 cao hơn TBNN khoảng 1-1,5 độ C, tháng 1 và tháng 2/2020 sẽ cao hơn TBNN khoảng 0,5-1 độ C. Với một nền nhiệt độ như vậy, miền Bắc sẽ có một mùa Đông ấm và nhiều khả năng ấm hơn mùa Đông năm 2018.
Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, đây mới chỉ là dự báo dài hạn, sai số có xác suất khá cao.
Về tình hình bão hoạt động trên Biển Đông từ nay tới cuối năm 2019, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm 2019 có khả năng mật độ bão hoạt động trên khu vực Biển Đông ở mức ít hơn TBNN (khoảng 3-5 cơn); trong đó có khoảng 1-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, trọng điểm là khu vực Trung bộ và Nam bộ. Cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp.
“Trong đó đặc biệt lưu ý, thời tiết chuyển mùa, tiếp tục đề phòng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc”- đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay.
Từ tháng 10 trở đi cũng là thời kỳ mùa khô ở Bắc bộ, trong mùa khô năm nay, lượng mưa ở khu vực này thấp hơn TBNN; nguy cơ xuất hiện nước dâng do bão chủ yếu tập trung tại ven biển Bắc Trung bộ trong tháng 10-11/2019.
Ven biển Trung bộ sẽ xuất hiện các đợt triều cường cao vào các ngày 11-14 tháng 10, 9-13 tháng 11 và 13-16 tháng 12 năm 2019, ngày 10-13 tháng 1 năm 2020. Tại ven biển Nam bộ, nhiều đợt triều cường cao. Hiện tượng sạt lở bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa mạnh.
Trong khi đó, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ năm nay mực nước sẽ thấp hơn TBNN, xâm nhập mặn năm nay ở đây sẽ đến sớm hơn.
Theo Hạ Quỳnh (An Ninh Thủ Đô)