Thừa nhận không khí Hà Nội ô nhiễm từ lâu, song ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mức độ ô nhiễm không thể bằng Bắc Kinh.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Ảnh: VietNamNet. |
Theo giải thích của vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thì chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) được cập nhật trên website này là chỉ số trung bình giờ. Do đó, khi chỉ số ở mức trên 300, tức là mức độ nguy hại, nó cũng chỉ là số liệu tại một thời điểm nào đó trong ngày. Trong khi đó, để đánh giá chất lượng không khí thì cần phải dựa vào chỉ số tính theo trung bình ngày, tức 24 giờ liên tiếp.
"Việc lấy chỉ số ở một thời điểm cao nhất trong ngày để so sánh với chỉ số trung bình ngày của Bắc Kinh rồi rút ra kết luận không khí Hà Nội ô nhiễm hơn Bắc Kinh là khập khiễng, không thể hiện đúng bản chất của chất lượng không khí, gây hoang mang cho mọi người", ông Tùng khẳng định.
Theo ông Tùng thì các máy quan trắc thu thập số liệu 5 phút một lần, tuy nhiên, để đo chất lượng không khí, không thể dựa vào một thời điểm nào đó trong ngày để rút ra kết luận mà cần phải tính tới xu hướng, xem giá trị trung bình ngày, trung bình năm như thế nào mới có thể khẳng định được.
Chỉ số AQI của Hà Nội theo số liệu của trạm quan trắc Đại sứ quán Mỹ trong 24 giờ qua đều trên mức 150, mức kém trong thang đánh giá AQI. |
Tuy nhiên, ông Hoàng Dương Tùng thừa nhận, theo những số liệu mà Tổng cục Môi trường thu thập được thì chất lượng không khí tại Hà Nội quả thực có ô nhiễm và điều này không phải là mới bởi nó đã được cảnh báo từ vài ba năm trước đây.
"Chỉ số nồng độ bụi PM2,5 trung bình ngày trong không khí Hà Nội chỉ cao gấp 1,2-1,5 lần so với tiêu chuẩn, cao nhất củng chỉ 1,5 lần chứ không thể tới mức nguy hại như Bắc Kinh được", ông Hoàng Dương Tùng khẳng định.
Cách tính khác nhau
|
Công thức tính giá trị AQI tại Việt Nam. |
Theo giải thích của ông Thắng, muốn tính được giá trị AQI của một ngày, cần tính được AQI theo ngày của từng thông số (AQI của một ngày sẽ bằng AQI của thông số có giá trị lớn nhất).
AQI theo ngày của từng thông số lại được xác định bằng giá trị lớn nhất trong số các giá trị AQI theo giờ của thông số đó trong 01 ngày và giá trị AQI trung bình 24 giờ của thông số đó.
Giá trị AQI trung bình 24 giờ của thông số được tính theo công thức: Giá trị trung bình 24 giờ của một thông số chia cho giá trị quy chuẩn của thông số đó rồi nhân với 100.
Các thông số được sử dụng để đánh giá chất lượng không khí bao gồm: SO2, NO2, O3, CO, Tổng bụi lơ lửng (TSP), bụi PM10, bụi PM2,5 và Pb.
Bên cạnh đó, giá trị AQI từ một trạm đo ở Đại sứ quán Mỹ cũng không thể đại diện cho không khí của toàn bộ Hà Nội. Để tính toán chất lượng không khí toàn bộ Hà Nội cần có số liệu từ nhiều trạm đo khác nhau.
Theo Lê Văn (VietNamNet)