"Xét về hàm lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất), chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ.", GS. TS Nguyễn Hữu Ninh nói.
"Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới hoạt động của người dân mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những thành phố ô nhiễm không chỉ nhất Đông Nam Á mà còn cả châu Á".
Điều này làm dấy lên rất nhiều nhiều lo ngại của các nhà khoa học về việc ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ tác động lớn đến sức khỏe người dân, cũng như về viễn cảnh "ô nhiễm như Bắc Kinh" (Trung Quốc). Trước thực trạng này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về biến đổi khí hậu.
- "Hà Nội là thành phố đứng hàng đầu về ô nhiễm không khí không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn cả châu Á" - đó là nhận định của ông Jacques Moussafir. Theo giáo sư, tại sao hiện trạng không khí Hà Nội hiện nay lại xấu đến vậy? Số liệu nào chứng minh cho nhận định này?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Hà Nội đang đứng trong tình trạng báo động liên quan tới các vấn đề ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo của GreenID vào cuối năm 2016, có những thời điểm lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất, có thể thẩm thấu, hấp thụ vào máu) là 50,5µg/m3, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3), gấp đôi số liệu của thành phố Hồ Chí Minh (28.23) và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới –WHO (10µg/m3).
Như vậy, xét về hàm lượng bụi PM2.5 trong một số thời điểm, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124µg/m3).
Có những lúc hàm lượng bụi PM2.5 ở Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: Times of India. |
- Có bao nhiêu nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, thưa ông? Trong số đó, nguồn ô nhiễm nào là "tội đồ" hàng đầu gây nên ô nhiễm không khí đáng báo động như vậy tại Hà Nội?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Việc gia tăng ô nhiễm không khí mà cụ thể hơn là ô nhiễm bụi tại Hà Nội được xác định do khí thải từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải và đun nấu hộ gia đình.
Trong đó, nguồn ô nhiễm do đốt than từ các nhà máy nhiệt điện và hoạt động các khu công nghiệp đang và sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc làm gia tăng ô nhiễm bụi.
- Nếu cứ đà tăng ô nhiễm như hiện nay, liệu không khí tại Hà Nội có ô nhiễm hơn so với Bắc Kinh không?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Khó để trả lời câu hỏi này ngay bây giờ, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn có xu hướng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện (theo quy hoạch điện VII) và tiếp tục sử dụng nhiệt điện than, trong khi Trung Quốc đã có cam kết cắt giảm lượng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và Bắc Kinh đã chấm dứt hoạt động các nhà máy điện sử dụng than.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của hướng gió, Việt Nam đồng thời sẽ bị chịu ảnh hưởng từ tro bụi của các nhà máy nhiệt điện từ các vùng lân cận và phía nam của Trung Quốc, có thể sẽ có lúc mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội sẽ rất cao.
- Cũng liên quan đến không khí ở Bắc Kinh, tháng 3/2016, nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg từng đăng tải hình ảnh anh cùng một nhóm người chạy bộ qua quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) cho chiến dịch xuyên suốt năm là "Year of Running".
Tuy nhiên, trái với mong đợi, theo nhiều hãng truyền thông thì vị CEO này bị nhiều lời chê vì đã... không đeo khẩu trang khi chạy trong môi trường ô nhiễm của Bắc Kinh. Thử đặt một giả định vui thế này: Nếu Mark Zuckerberg định làm một điều tương tự tại Hà Nội, theo ông anh ấy có nên... đeo khẩu trang?
Ông chủ Facebook chạy bộ ở quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. Ảnh: Internet. |
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Vấn đề ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, nhất là ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào những tháng mùa thu chuyển sang đông, khi mà không khí lạnh làm cản sự phát tán của bụi và chất ô nhiễm từ mặt đất lên trên không.
Không phải vì Bắc Kinh trồng ít cây xanh, mà vì có những dạng ô nhiễm bụi như nhóm bụi PM5, PM2.5 cây xanh không thể phát huy nhiều tác dụng. Thậm chí loại khẩu trang bình thường chúng ta hay dùng cũng không có tác dụng nhiều với các siêu vi bụi như thế.
Về việc đeo khẩu trang, để bảo vệ sức khỏe của mình, thực sự chúng ta vẫn nên đeo khẩu trang thường xuyên chứ không nhất thiết phải đợi không khí ô nhiễm như ở Bắc Kinh mới đeo. Số liệu thực tại cho thấy ô nhiễm bụi đã xảy ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng ta cũng đã nhìn thấy sự gia tăng các bệnh về mắt, hô hấp liên quan tới ô nhiễm bụi xuyên biên giới, ví dụ như chịu ảnh hưởng từ tro bụi của các nhà máy nhiệt điện miền nam Trung Quốc.
- Ở Trung Quốc từng có chuyện người dân vùng Thanh Viễn (Quảng Đông, Trung Quốc) có nghề... bán túi không khí sạch cho du khách với mức giá tương đương từ 30.000 đến 100.000 VND, hay công ty Vitality Air ở Canada bán bình khí tươi (với giá tương đương hơn 1 triệu VND/bình) cho người dân ở Trung Quốc, Bắc Mỹ, Ấn Độ...
Thử tưởng tượng đến một ngày ở Hà Nội cũng "phải" có dịch vụ kiểu này, ông nghĩ sao? Khả năng đó có thể xảy ra theo kịch bản thế nào và tại sao lại xảy ra như thế?
Ảnh: The New York Times. |
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Hiện tại trên thị trường Việt Nam đã có các loại máy lọc không khí bán cho các gia đình, văn phòng để mang lại bầu không khí trong nhà trong lành hơn, việc sử dụng khẩu trang cũng đã phổ biến hơn trước rất nhiều.
Hơn thế nữa, thay cho các dạng khẩu trang vải thông thường, hiện tại trên thị trường cũng đã có các loại khẩu trang có chức năng lọc các hạt bụi mịn và hấp thụ một số loại khí độc. Cũng có thể đến một ngày Hà Nội cũng xuất hiện dịch vụ bán túi không khí sạch.
Khi không có các biện pháp phù hợp giảm mức độ ô nhiễm bụi và siêu vi bụi (bụi PM2,5); mức độ giao thông đô thị vẫn đang gia tăng với mức độ chóng mặt, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng các dạng nhiệt điện than, và bị ảnh hưởng của các hoạt động phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng, thì đến một ngày nào đó việc xuất hiện dịch vụ bán túi không khí sạch tại Hà Nội sẽ xuất hiện như một lẽ thường tình.
- Phần lớn người tham gia giao thông tại Hà Nội hiện nay đều trang bị "đồ nghề" chống ô nhiễm không khí như kính mát, mũ, khẩu trang bịt kín kiểu... ninja, theo giáo sư, những biện pháp này thực tế có giúp giảm được nhiều tác hại của không khí ô nhiễm với cơ thể con người hay không?
Liệu rằng có biện pháp nào thay thế, tốt hơn không (bởi rằng việc bít kín như vậy, nhất là với phụ nữ đi xe máy, đôi khi khá nguy hiểm về mặt giao thông)?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Nhìn chung, khẩu trang và kính mắt cũng có các tác động tích cực nhất định tới việc hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm bụi hạt lớn khiến người dùng cảm thấy dễ chịu hơn, ít các bệnh đường hô hấp, hay bị đau mắt do bụi hơn.
Với các dạng khẩu trang hoạt tính thì có thể hấp thụ một số loại khí độc hại. Tuy nhiên, với các loại vi bụi và siêu vi bụi thì các dạng khẩu trang và kính mắt hiện tại không có tác động.
Còn về việc người ra đường trang bị kín mít kiểu ninja, theo quan điểm chủ quan mà nói, chỉ chủ yếu xuất hiện vào mùa hè, khi người dân, nhất là phụ nữ có nhu cầu tránh nắng.
Để hạn chế ảnh hưởng của các dạng hô nhiễm không khí, bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm khẩu trang tốt hơn, thì việc thay đổi các chính sách về quản lý ô nhiễm cũng như phát triển sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế không chỉ ô nhiễm không khí mà còn các tác động khác tới môi trường sống của chúng ta.
Ví dụ như các chính sách về quản lý khí thải cũng như chính sách phát triển nhiệt điện.
Ảnh: WWLP.com. |
- Với chính giáo sư, ngày ngày cũng phải đi trên những con phố đông đúc và khói bụi của Hà Nội, hít thở không khí Hà Nội, bản thân ông làm những gì để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm? Xin ông chia sẻ đôi điều về nếp sinh hoạt đó để độc giả tham khảo.
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Tôi thường đeo khẩu trang và đeo mắt kính. Tại nhà, thì tôi trồng thêm nhiều loại cây xanh, để tạo bầu không khí trong mát hơn.
- Với cương vị Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục môi trường và Phát triển, ông có thể chia sẻ đôi điều về những dự án về môi trường và biến đổi khí hậu mà ông đang, sẽ được triển khai?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Tại thời điểm này, chúng tôi đang tham gia tư vấn ứng dụng thực tiễn cho một số dự án liên quan đến nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu, hy vọng các ứng dụng mới sẽ phù hợp trong điều kiện Việt Nam.
- Xin cảm ơn giáo sư!
Theo Trang Ly (Trí Thức Trẻ)