Bán vé trực tiếp cho công nhân, sinh viên và người lao động
Tháng cuối năm là cao điểm với diễn biến trật tự an toàn giao thông hết sức phức tạp, nhất là khi số vụ tai nạn giao thông năm 2020 đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đó, số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20%, số người chết giảm trên 13% và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.
Để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân năm 2021 trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé, nhồi khách trong dịp cuối năm.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19. Cương quyết xử lý người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 tham gia giao thông.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị thi công và bảo trì kết cấu hạ tầng có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; Bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các tuyến trục chính ra vào trung tâm TP Hà Nội và TPHCM.
Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ; ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng để đi lại trong dịp nghỉ Tết và dự Lễ hội xuân. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các cơ sở giáo dục cần phổ biến và yêu cầu người lao động, học sinh, sinh viên chấp hành quy định về an toàn giao thông; phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, sinh viên và người lao động; bố trí thời gian di chuyển phù hợp để giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết.
Hiện Sở GTVT Hà Nội đang rà soát lại công tác phục vụ, đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm cuối năm sẽ tăng khoảng 130% đến 150% so với ngày thường. Công ty CP Bến xe Hà Nội cũng đã có kế hoạch tăng cường xe cho các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm với yêu cầu giữ ổn định giá cước vận tải dịp Tết, không tăng giá tuỳ tiện. Đơn vị này cũng phối hợp với các trạm công an bến xe, công an phường, công an quận xây dựng phương án phối hợp bảo đảm trật tự an ninh trên địa bàn; ngăn chặn việc nạn cò mồi, rê dắt khách...
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ ý kiến đồng ý với chỉ đạo của cơ quan quản lý về việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải không tăng giá trái quy định để giúp bình ổn thị trường dịp cuối năm. Hiệp hội này cho biết, doanh nghiệp vận tải truyền thông trong đó có xe khách, taxi thường thực hiện rất nghiêm quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải hợp đồng, trong đó có xe Limousine, xe công nghệ lại không tuân thủ quy định nào, vẫn tăng giảm giá tùy ý. Do vậy, ban ngành chức năng cần kiểm soát chặt hơn, tránh gây bất bình đẳng trên thị trường vận tải và mất trật tự, an toàn giao thông.
Đường sắt tăng tàu phục vụ khách
Về hàng không, theo ghi nhận của phóng viên, các hãng đã mở bán vé Tết khá sớm để người dân chủ động nhu cầu đi lại, nhưng năm nay, nhu cầu đặt vé tại thời điểm này chưa cao.
Một đại lý vé máy bay tại TPHCM cho biết, dù dịch bệnh được chính quyền TPHCM vào cuộc sớm, kịp thời khoanh vùng, giải quyết nhanh nhưng hiện chỉ những người có việc cần mới đặt vé.
Đại diện của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay, kể từ khi bùng phát dịch, các cảng hàng không phối hợp khá tốt với các hãng để khai thác các chuyến bay nội địa. Sau mỗi chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước, các hãng đều tuân thủ khử trùng, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh.
Trong khi đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, để phục vụ người dân về quê đón Tết cổ truyền, đường sắt sẽ tăng cường thêm nhiều đoàn tàu với khoảng 80.000 vé trên tuyến Bắc - Nam. Cụ thể, trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 còn khoảng 30.000 vé đi từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đến các ga từ Nha Trang đến Hà Nội (thời gian từ ngày 21 đến 30 tháng Chạp năm Canh Tý). Sau Tết còn khoảng 50.000 vé cho các ga từ Hà Nội đến Nha Trang đi ga Biên Hòa, Sài Gòn (từ ngày mùng 1 đến 15 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Với dịp Tết Dương lịch 2021, đường sắt cũng tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu, đặc biệt với các chặng ngắn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, chiều Hà Nội - Vinh ngày 31/12 sẽ chạy thêm thêm 2 chuyến tàu; chặng Hà Nội - Đồng Hới chạy thêm 1 chuyến tàu khứ hồi; tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ chạy hàng ngày thêm 1 đôi tàu, bên cạnh 3 đôi tàu đang hoạt động hàng ngày; tuyến Hà Nội - Yên Bái, từ 12/12, chạy thêm 1 đôi tàu vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, trong tháng 12; tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn và Sài Gòn - Đà Nẵng đều chạy thêm 1 đoàn tàu; tuyến Sài Gòn - Nha Trang chạy thêm 1 đôi tàu và một số chuyến tàu lẻ vào trước Tết chiều Sài Gòn – Nha Trang và sau Tết trên chiều ngược lại. Một số tàu lẻ cũng được tăng cường thêm trên tuyến Sài Gòn - Phan Thiết trong dịp này.
Nhóm PV (Gia Đình & Xã Hội)