Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình nêu rõ: Việc lấy ý kiến của cử tri với người được đề cử, tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND được tổ chức ở nơi họ công tác hoặc làm việc. Trong trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.
Rút kinh nghiệm các cuộc bầu cử trước, để vừa phát huy dân chủ, vừa thuận tiện trong cách tổ chức thực hiện, Nghị quyết đã quy định rõ số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về người ứng cử.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |
Cụ thể, nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể; Nơi có từ 100 - 200 cử tri thì mời đại diện cử tri tham dự; Nơi có 200 cử tri trở lên thì tùy tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, có thể chia thành nhiều hội nghị lấy ý kiến đại diện cử tri. Tất cả các phương án trên phải bảo đảm trên 50% tổng số cử tri tham dự…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đối với trường hợp được giới thiệu ứng cử hoặc người tự ứng cử, cần phải xem xét kỹ nhân thân, điều kiện xem có đủ tiêu chuẩn hay không để khi đưa ra hội nghị, đến khi cử tri hỏi còn biết giải đáp.
Qua đó, người được giới thiệu và người tự ứng cử phải đảm bảo đủ chất lượng, yêu cầu để cử tri yên tâm, đưa ra bỏ phiếu kín. Yêu cầu không để lọt vào danh sách bầu người không đủ tiêu chuẩn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không được bao biện và cần lựa chọn, xem xét kỹ tiêu chuẩn đối với những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.
Đến lúc hiệp thương phải đảm bảo chất lượng để 896 người giới thiệu cho cử tri bầu là những người đủ tiêu chuẩn, để họ chọn ra 500 người ưu tú nhất.
Theo Dũng Nguyễn (Tiền Phong)