Xã hội quan tâm, lo lắng và thậm chí bức xúc khi ngành sư phạm có điểm chuẩn quá thấp. Bởi lẽ, nghề giáo viên có đặc thù riêng về đầu vào - một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo.
GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - cho rằng, việc xã hội quan tâm, lo lắng và cả bức xúc khi ngành sư phạm có điểm chuẩn quá thấp như năm nay là một dấu hiệu tốt. Bản thân GS Hạc cũng rất hoang mang, lo lắng về điều này. Bởi nếu giáo dục mà không tốt thì sẽ có rất nhiều vấn đề trong xã hội xảy ra; ngược lại, muốn có xã hội tốt đẹp thì nền giáo dục phải được đảm bảo.
Cả xã hội kỳ vọng vào những nhà giáo tương lai để gửi gắm con em họ song điểm đầu vào ngành sư phạm năm nay thấp khiến họ lo lắng. |
GS Hạc bày tỏ không đồng tình với quan điểm đầu vào không quyết định chất lượng giáo dục. Theo GS Hạc, một học sinh đạt 9 điểm/3 môn thi, thậm chí đạt 1,5 điểm môn Toán đỗ Sư phạm Toán không thể trở thành giáo viên đạt chuẩn. Theo vị nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, trừ những trường hợp rất rất cá biệt, có khi cả nghìn người mới chỉ có một người học phổ thông kém sau này trở thành thầy giáo giỏi. Nghề giáo viên cần có đặc điểm riêng về đầu vào, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo.
Thậm chí thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM - cho rằng: Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là thế hệ tương lai của dân tộc, vì vậy, không được phép tạo ra “phế phẩm”. Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình, nhưng, một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau...
Về việc vì sao ngành sư phạm bị thất sủng, GS Hạc cho rằng, để tìm ra câu trả lời là rất khó vì đây là vấn đề của cả hệ thống.
Học sinh không chọn ngành sư phạm còn có lý do là không tin tưởng vào vấn đề lương và đãi ngộ, dù đã nói nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Ngành sư phạm cũng không có thu nhập thêm, trường hợp giáo viên ở thành phố lớn dạy thêm thu nhập cao chỉ là con số nhỏ trong tổng số giáo viên trên cả nước.
“Tôi đi một số nước thì thấy chỉ có ở Việt Nam, lương giáo sư mới nghèo, ở mức 5 - 10 triệu đồng/tháng, về hưu thì chỉ còn vài triệu đồng. Chỉ có Việt Nam mới xếp lương của giáo viên vào lương hành chính sự nghiệp thì đâu là động lực để họ phát triển?”, GS Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết thêm: Trước đây, năm 1990, khi còn đương nhiệm, tôi từng làm việc với Ngân hàng Thế giới. Họ đã đề xuất tách lương của nhà giáo ra khỏi lương của hệ thống lương hành chính. Giáo viên nên có một chế độ lương riêng, phù hợp và xứng đáng với năng lực của mình. Bộ GDĐT cần có báo cáo, kiến nghị, đề xuất những chính sách phù hợp với Chính phủ để cải thiện điều này.
Đóng cửa những trường không chất lượng
Trước những bức xúc, lo lắng của xã hội về chất lượng giáo viên sẽ ra sao khi điểm chuẩn sư phạm chỉ đạt ở mức thấp, GS Phạm Minh Hạc đề xuất vấn đề cấp bách ngay bây giờ là dừng đào tạo những nơi quá kém, mặc dù các trường đã tuyển sinh.
Hiện nay nhiều trường sư phạm có tình trạng đào tạo thừa giáo viên. Số lượng đào tạo của các trường cao đẳng ở địa phương, văn bằng hai, từ xa chiếm số lượng lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành sư phạm “rớt giá”.
Vì vậy, GS Hạc cho rằng, Bộ GDĐT nên rà soát, quy hoạch lại, không để các trường đào tạo tùy ý, không nên để học viên tìm mọi cách để theo học, cốt lấy tấm chứng chỉ nghề nghiệp để xin việc. Bộ GDĐT có thể đóng cửa những trường không chất lượng. Đừng trông mong vào sự thay đổi tự thân của các trường bởi ít nhất họ phải có đủ sinh viên, lấp đầy chỉ tiêu mới được hưởng ngân sách từ Nhà nước.
Ở một góc độ khác, GS Phạm Minh hạc kiến nghị: Chúng ta hiện vẫn còn rất nhiều những người giáo viên tâm huyết. Mặc dù lương thấp, áp lực nhiều nhưng vẫn dạy hay và chịu khó đổi mới. Nhưng đó là những cá nhân, còn vấn đề tổng thể cần vai trò của Nhà nước. Nhà nước phải có đường lối đổi khác để phát triển giáo dục và cần cả hệ thống cùng vào cuộc. Riêng Bộ GDĐT không làm nổi, các địa phương cũng không làm nổi.
Theo Huyên Nguyễn (Lao Động)