Không cấm dùng điện thoại quay clip khi bị xử phạt giao thông

26/04/2017 14:10:00

"Nếu nhà sản xuất điện thoại công bố có chức năng ghi âm, ghi hình thì chúng ta dùng bình thường, không thể coi đó là thiết bị ngụy trang" - ông Lê Đại Hải- Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế lý giải.

"Nếu nhà sản xuất điện thoại công bố có chức năng ghi âm, ghi hình thì chúng ta dùng bình thường, không thể coi đó là thiết bị ngụy trang" - ông Lê Đại Hải- Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế lý giải.

khong cam dung dien thoai quay clip khi bi xu phat giao thong hinh anh 1

Tại buổi họp báo quý I của Bộ Tư pháp, báo chí đặt câu hỏi: Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị, do Bộ Công an soạn thảo (viết tắt là dự thảo nghị định) có quy định: Chỉ có cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị.

“Việc quy định thế này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động điều tra của báo chí, ảnh hưởng đến việc thu thập chứng cứ đấu tranh chống tiêu cực, xin Bộ Tư pháp nêu quan điểm?”, báo giới nêu vấn đề.

Ông Lê Đại Hải cho biết, chiều qua (25.4), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định dự thảo nghị định.

"Tại cuộc họp, nhiều thành viên hội đồng cũng đặt ra vấn đề này. Quan điểm của chúng tôi là dự thảo nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh mặt hàng này thì chỉ nên quy định những tổ chức, cá nhân nào đáp ứng điều kiện gì sẽ được kinh doanh chứ không điều chỉnh việc ai được sử dụng thiết bị này" - ông Hải nói.

Vẫn theo ông Lê Đại Hải, trong dự thảo nghị định có một vài điều khoản, chẳng hạn, điều nói về  trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này chỉ được bán hàng cho những chủ thể được pháp luật cho phép.

"Chúng tôi có quan điểm, trong luật khác đã quy định đầy đủ việc ai được làm việc gì. Hiến pháp quy định về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân được làm những gì luật không cấm, muốn cấm phải quy định bằng luật. Trong dự thảo nghị định này, thẩm quyền của Chính phủ cũng không thể quy định cấm anh A, anh B được sử dụng thiết bị C, thiết bị D, đó là về mặt nguyên lý" - ông Hải cho hay.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, hiện nay nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí.

"Nếu Luật Báo chí cho phép các anh được quyền sử dụng thì các anh sử dụng. Trong Luật bảo vệ an ninh quốc gia hay trong Luật tổ tụng hình sự quy định cơ quan tiến hành tố tụng được sử dụng thiết bị a, b, c thì họ được làm. Hay Bộ Luật Dân sự có quy định bí mật đời tư được bảo vệ thế nào, nếu anh nào sử dụng thiết bị không được phép, xâm phạm đời tư của cá nhân thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - ông Hải dẫn giải.

Theo ông Hải, vấn đề ở đây có cách hiểu khác nhau. Ông cho biết qua theo dõi trên báo chí, nhiều người lo lắng dự thảo nghị định này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng tới những người bí mật thu chứng cứ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhà báo bị ảnh hưởng đến tác nghiệp điều tra...

"Ví dụ trong xử phạt vi phạm giao thông, người dân lo ngại dùng điện thoại quay phim chụp hình thì nay bị cấm. Tôi khẳng định là không phải như vậy. Mấu chốt vấn đề, thế nào là thiết bị được ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị? Nếu nhà sản xuất công bố điện thoại đó có chức năng ghi âm, ghi hình thì chúng ta dùng bình thường, không thể gọi đó là thiết bị ngụy trang được.

Chỉ những thiết bị núp dưới hình hài những vật dụng khác để giấu đi công dụng ghi âm, ghi hình thì mới coi là thiết bị ngụy trang. Ví dụ chúng ta vào nhà tắm, người ta sử dụng thiết bị ghi hình núp dưới dạng móc quần áo để ghi hình ảnh riêng tư, xâm phạm đời tư của ta. Đó chính là đối tượng điều chỉnh của dự thảo nghị định này" - ông Lê Đại Hải nhấn mạnh.

Theo Ngọc Lương (Dân Việt)

Nổi bật