Lái xe cứu thương là anh Vũ Đức Hải, thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 Ninh Bình. Anh đang trên đường chuyển viện một bệnh nhân bị suy thận cấp nguy kịch do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không tự thở được phải bóp bóng thở ôxy và cắm ống nội khí quản. Bệnh nhân phải được gấp rút đưa về Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội để cấp cứu. Trên xe khi ấy có bốn người là bác sĩ Bùi Thị Thu Nhường, người nhà, bệnh nhân và tài xế.
Bình thường xe cấp cứu chạy từ Ninh Bình đến Bệnh viện Bạch Mai chỉ mất khoảng một giờ thì chuyến hôm qua anh Hải mất đến 4 tiếng đồng hồ trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thoát được dòng kẹt xe. "Mỗi lần di chuyển xe chỉ nhích được 1-2 m, trong khi đó bệnh nhân thì nặng không tự thở được, nhân viên y tế phải bóp bóng liên tục. Trên xe ai cũng lo lắng, sốt ruột nhưng thực sự là không có cách nào để tôi lái lên được", anh Hải kể lại.
Là cán bộ y tế duy nhất ngồi trên xe cứu thương khi đó, bác sĩ Thu Nhường cho biết chị đã phải bóp bóng liên tục để duy trì ôxy cho người bệnh. Nữ bác sĩ chia sẻ: "Bình thường chỉ bóp bóng khoảng một tiếng, chuyến xe hôm qua tôi phải nỗ lực duy trì trợ thở cho bệnh nhân suốt 3-4 giờ, rất mỏi tay nhưng cũng phải cố hết sức".
Khi xe còn cách Bệnh viện Bạch Mai 25 km, xác định nếu thoát được đoạn đường tắc thì phải mất 2 giờ nữa nên anh Hải liên hệ với Trung tâm Cấp cứu 115 Ninh Bình để tìm giải pháp. May mắn khi ấy có tin một xe cấp cứu khác chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức đang trên đường quay về. Trực ban Trung tâm quyết định chuyển bệnh nhân từ xe của anh Hải lên xe cấp cứu kia.
Vấn đề là hai xe cứu thương đang lưu thông hướng ngược chiều nhau. "Lúc đó trời tối, hai xe chúng tôi liên lạc với nhau để xác định vị trí của nhau đang ở trên cao tốc nhằm có thể gặp giữa đường. Chúng tôi đã khênh cáng của bệnh nhân qua dải phân cách cao khoảng 1-1,2m sang làn đường bên kia", anh Hải nói. Lúc đó nhiều tài xế ôtô khác và hành khách đang bị kẹt xe đã ra hỗ trợ khiêng cáng bệnh nhân. Có người đứng đầu xe vẫy báo hiệu cho các xe khác đi chậm lại vì sợ xảy ra tai nạn.
Tài xế xe cứu thương tâm sự: "Tôi rất xúc động khi được mọi người giúp đỡ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân". Bác sĩ Nhường cũng cho biết, khi bệnh nhân được chuyển sang xe cấp cứu kia thì có kíp y bác sĩ hỗ trợ. Rất may lúc đến Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh tỉnh hơn, huyết áp ổn định hơn.
Chiều 18/3 cũng là ca trực đáng nhớ của ê kíp bác sĩ Nguyễn Văn Koong và một điều dưỡng thuộc Trạm Cấp cứu 115 Thanh Trì (Hà Nội). Kíp cấp cứu trực đã tham gia sơ cứu cho nạn nhân 4 vụ tai nạn liên tục trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Bác sĩ Koong nhớ lại khoảng 16h họ nhận được tin báo cấp cứu tai nạn xe khách đâm xe cứu hỏa gần nút giao Pháp Vân, kíp cứu thương lên đường. Đến nơi, xe cấp cứu vừa đỗ, bệnh nhân cùng người nhà đã ùa đến vây kín chiếc xe. Người đòi lên xe cấp cứu, người đòi bác sĩ sơ cứu ngay. "Trước mắt tôi là cảnh đầu xe khách và xe cứu hỏa vụn vỡ. Người nhà, bệnh nhân chen nhau đòi lên xe cấp cứu. Tiếng gào khóc inh ỏi, người nào người ấy đều hoảng loạn. Mọi thứ cứ rối tung lên", bác sĩ Koong kể.
Nhờ lực lượng cảnh sát can thiệp, bác sĩ Koong cùng đồng nghiệp tiến hành phân loại, cấp cứu, sơ cứu cho các nạn nhân. Hơn chục nạn nhân trên xe khách bị thương, trong đó có hai người bị thương nặng. Một phụ xe bị gãy xương đùi và một phụ nữ bị chấn thương đốt sống cổ dẫn đến liệt hai tay và một chân. Sau 20 phút, tất cả nạn nhân đã được sơ cứu. Các chiến sĩ cứu hỏa bị thương và một số bệnh nhân nặng trên xe khách đã được chuyển đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, hai người nặng được đưa vào Bệnh viện Nông Nghiệp.
Đến chiều 19/3, một chiến sĩ cứu hỏa tử vong do chấn thương sọ não, ba chiến sĩ khác bị chấn động não gây mất trí nhớ tạm thời, một người bị gãy xương đòn trái.
Chỉ trong hơn 40 phút chiều chủ nhật 18/3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) xảy ra bốn tai nạn làm 3 người chết, hơn 10 người bị thương, kẹt xe kéo dài trên tuyến đến tận nửa đêm.
Lúc 16h ngày 18/3, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng Hà Nam về Hà Nội, tại khu vực gần cầu Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội), xe khách 16 chỗ va chạm với một xe ben chạy cùng chiều. Tai nạn khiến xe khách bị hư hỏng nặng phần đầu, ba người bị thương. Đoạn cao tốc qua huyện Thường Tín bị ùn tắc khoảng 4-5 km.
Khoảng 15 phút sau, cách 6-7 km tiếp tục xảy ra tai nạn liên hoàn giữa bốn ôtô làm các phương tiện bị hư hỏng. Ở làn bên kia, một xe đầu kéo chạy hướng Hà Nội đi Hà Nam đã đâm vào dải phân cách giữa của cao tốc. Xe đầu kéo bị hư hỏng nặng và gây ùn tắc giao thông hơn một km.
Tai nạn thứ tư xảy ra lúc 16h30 tại gần nút giao Pháp Vân, một xe khách giường nằm 45 chỗ đâm vào xe cứu hỏa chạy ngược chiều đang đi làm nhiệm vụ. Sự cố làm hai xe chắn ngang đường, gây tắc nghẽn 5-7 km.
Theo Lê Nga - Nam Phương (VnExpress.net)