Khi Thủ tướng đi tiếp thị

07/06/2017 13:28:00

Trả lời phỏng vấn tại Tokyo, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng thành công trong việc kêu gọi làn sóng đầu tư mới từ Nhật sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam tiến hành đổi mới lần thứ 2.

Trả lời phỏng vấn tại Tokyo, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng thành công trong việc kêu gọi làn sóng đầu tư mới từ Nhật sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam tiến hành đổi mới lần thứ 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Việt Dũng

* Ông vừa chứng kiến một hội nghị xúc tiến đầu tư lịch sử với số người tham gia kỷ lục (hơn 1.600) ngay tại Tokyo, đồng thời với cam kết viện trợ ODA rất lớn từ Chính phủ Nhật Bản, vậy ông cảm nhận như thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế Việt - Nhật?

- Khi ngồi dự hội nghị này, cảm xúc của tôi là rất mừng, đặc biệt là khi nhìn cảnh lãnh đạo doanh nghiệp (DN) Nhật xếp hàng để được vào dự hội nghị thì tôi rất xúc động. Chúng ta chưa bao giờ tổ chức một hội nghị xúc tiến ở nước ngoài mà có đông đảo DN quan tâm như vậy.

Tôi đọc được trong suy nghĩ của nhà đầu tư Nhật Bản là đáng lẽ ra họ phải hiện diện sớm hơn tại Việt Nam. Trước đây, DN Nhật cũng đã nghiên cứu rất nhiều nhưng vẫn còn cân nhắc, nâng lên đặt xuống chứ chưa thực sự đầu tư mạnh mẽ.

Nhưng đến thời điểm hiện nay thì khác, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng “các DN Nhật đầu tư vào Việt Nam thời điểm này là thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã nói lên điều đó. Thứ quan trọng nhất trong hợp tác là niềm tin thì chưa bao giờ tốt như hiện nay.

Và điều quan trọng nữa qua hội nghị này là các nhà đầu tư Nhật đã nhìn thấy một Việt Nam đổi mới lần thứ hai với cấp độ cao hơn. Điều đó thể hiện với một Chính phủ quyết tâm xây dựng liêm chính, hành động, kiến tạo, đồng hành với DN để đi tìm kiếm thị trường, như chúng ta thấy đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, mời gọi đầu tư.

Người Nhật đã nhìn thấy tương lai hợp tác với Việt Nam qua những hành động rất đẹp như vậy. Tôi lạc quan về tương lai trước mắt sẽ có làn sóng đầu tư rất lớn từ Nhật, chứ không chỉ là con số 22 tỉ USD các ký kết và thỏa thuận.

* Tại các cuộc tiếp xúc, tọa đàm, hội nghị với các DN của Mỹ và các DN Nhật lần này, Thủ tướng nước ta đều chủ động mời các nhà đầu tư Mỹ, Nhật tham gia quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước của Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư tìm hiểu. Xin cho biết đánh giá của ông?

- Tôi thấy 2 chuyến thăm Mỹ và Nhật của Thủ tướng đều rất thành công, trước hết là ở chỗ tạo niềm tin cho nhà đầu tư của hai cường quốc. Các nhà đầu tư cũng đã bày tỏ niềm tin vào kinh tế Việt Nam, trước hết là sự ổn định kinh tế vĩ mô trong 5 năm qua, từ 2012 đến nay.

Đặc biệt họ đánh giá cao Việt Nam đã ổn định tỉ giá đồng tiền. Nhà đầu tư sợ nhất là khi đổ tiền vào một đất nước mà sau đó bị điều chỉnh tỉ giá, nếu rút vốn ra là lỗ. Việt Nam đã ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát tốt.

Vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn, Chính phủ quyết định chỉ khống chế tỉ lệ vốn trong các DN nhà nước thuộc vài lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng, còn lại là gần như không khống chế tỉ lệ nắm giữ vốn của đối tác. 

Theo tôi, Chính phủ nên gửi cho họ danh mục các DN nhà nước mà Việt Nam cần bán, cần kêu gọi đầu tư, cung cấp rõ thông tin về DN như một sự chào hàng. Đặc biệt, đối với những DN đang thua lỗ, nếu mình kêu gọi đối tác đầu tư vào để thay đổi công nghệ, bơm vốn, nâng cao khả năng quản trị DN, thì quá trình tái cơ cấu DN nhà nước sẽ có kết quả tốt.

Tôi xin lưu ý là mình có thể bán với giá thấp nhất, với mục đích là để DN hoạt động có hiệu quả trong tương lai.

* Ngay tại chuyến thăm này, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cam kết cho vay ODA lớn đối với Việt Nam. Là một đại biểu Quốc hội, ông có lo ngại tình trạng nợ công của Việt Nam lại tăng cao hay không?

- Đúng là thêm vay thì thêm nợ. Nhưng thực ra mà nói thì hằng năm Chính phủ đều tính toán mức vay là bao nhiêu, khả năng đàm phán để vay như thế nào. Ví dụ chúng ta vay mỗi năm khoảng 4 tỉ USD thì đều nằm trong kế hoạch, như vừa rồi Quốc hội đã quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó đã có tính vốn ODA.

Như vậy thì các công hàm, hiệp định vay vốn được trao hôm nay đều nằm trong tính toán của Việt Nam. Hơn nữa, chúng ta cũng tính toán giữa vay nợ và tăng trưởng kinh tế, các khoản vay này nằm trong tầm kiểm soát của Việt Nam.

Hơn nữa, nhìn danh mục các dự án được Nhật cấp vốn ODA và cam kết hợp tác thì thấy rằng đó đều là những lĩnh vực rất quan trọng như cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng quản trị phục vụ cho phát triển kinh tế chứ không phải Việt Nam vay về để tiêu dùng.

Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)

Nổi bật