Chuyện một ông Chủ tịch huyện ở một tỉnh miền Trung trả lại quà Tết đang được người dân bàn tán râm ran.
Lẽ thường ai mang quà đi biếu cũng muốn được người được biếu đón nhận. Dù là từ gói trà hộp mứt cho đến những món quà, những chiếc phong bì gọn ghẽ, nhưng nặng về giá trị vật chất hơn.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet. |
Bởi, đã làm quan thì có nhiều quan hệ. Bạn bè có, cấp trên cấp dưới có, và quan hệ đối tác, nhờ vả cũng có. Mà quan hệ đối tác, nhờ vả - những thứ quan hệ có điều kiện này mới là vấn đề cần phải suy nghĩ, mới tốn giấy mực để bàn luận, mới là điều mà năm nào, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng phải có Chỉ thị ngăn ngừa.
Thế nên, nhận hay không nhận quà cũng là chuyện mà người được biếu phải tính toán, suy nghĩ. Nhất là năm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo gắt gao.
TƯ đã làm, lẽ nào địa phương không thực hiện. Nên từ chối nhận quà Tết, nếu được cán bộ các cấp nghiêm túc thực hiện, chắc sẽ mang lại hiệu ứng xã hội tích cực. Nhưng sự đời không đơn giản. Có khi người ta không nhận, nhưng người biếu thì cố nài, nài không được thì cố để lại. Có lẽ ông Chủ tịch huyện kia trả lại quà, là trả lại những món quà cố tình để lại này - có khi đó là những món quà có kèm những điều kiện vượt trên tình cảm anh em bạn bè, vượt trên ý nghĩa sẻ chia mà “gói trà hộp mứt” mang lại.
Cũng có người cho rằng: “Sao ông Chủ tịch huyện không sung công tất cả những túi quà này, hoặc đem biếu lại cho quỹ này quỹ nọ để làm từ thiện?”.
Mới nghe thì cũng có lý, nhưng xem ra chắc ông Chủ tịch huyện không muốn làm khó người tặng quà khi tên tuổi họ kèm theo những chiếc phong bì bị các cơ quan chứng kiến bóc ra. Ngay cả khi để vợ mình đi trả quà, ông cũng không muốn nhiều người biết. Thông tin chỉ lộ ra khi bạn bè đồng nghiệp đến thăm Tết mà bà huyện không có nhà.
Dẫu còn ý này ý nọ, nhưng những người trầm tĩnh thì cho rằng, nếu thấy đúng, ông Chủ tịch huyện cứ làm. Kiên quyết trả một lần, hai lần, chắc sẽ không có lần thứ ba.
Từ chuyện ở huyện của một tỉnh miền Trung, đến chuyện ở TƯ, thông tin tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ hôm 3/2 khiến dư luận khấp khởi vui mừng, bởi chưa bao giờ, chủ trương cấm biếu quà Tết lại được đón nhận và thực hiện tích cực như vậy.
Có lẽ bởi chủ trương cấm thăm Tết, cấm tặng quà lần này đã được ban ra từ cơ quan thực hiện, cơ quan thường xuyên tiếp xúc với dân và doanh nghiệp - nơi mà chuyện quà cáp diễn ra nhiều nhất. Trong các cuộc làm việc với bộ ngành, địa phương trước Tết, người đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính của đất nước đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã khiến dư luận kỳ vọng sẽ dẹp bỏ được một thói quen mà từ lâu đã biến tướng thành một tệ nạn: đút lót, hối lộ quan trên.
Đa số người dân ủng hộ Thủ tướng thì lặng lẽ dõi theo và kỳ vọng điều đó sẽ dần trở thành nếp quen trong quan hệ ở chốn công quyền. Số ít hoài nghi thì lại dõi theo bằng những định kiến, nghi ngờ với tâm lý chờ xem.
Con số giảm 70% số người từ địa phương về Hà Nội chúc Tết TƯ mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP công bố hôm 3/2, kèm câu chuyện thất thu của taxi, hay chuyện Bộ trưởng TT&TT không nhận quà Tết, chuyện không có ai đến VPCP tặng quà… phần nào cho thấy chủ trương hợp lòng dân, hiểu lòng người của Thủ tướng đã được mọi người đón nhận một cách tự nhiên. Bởi, câu nói: “Tết này không ai phải lo tặng quà cho ông Phúc” không phải Thủ tướng nói cho vui, nói cho có, mà là nói để làm và làm thật.
Một chủ trương đúng, không thể trở thành hiện thực nếu không có sự chung tay thực hiện của mọi người. Thủ tướng không nhận quà Tết chưa đủ, một vài bộ trưởng không nhận quà Tết chưa đủ. Một ông Chủ tịch huyện trả lại quà Tết cũng chưa đủ làm vơi đi những nỗi lo không đáng có mỗi khi Tết đến. Lại càng không đủ sức dẹp bỏ tệ nạn đút lót, hối lộ trá hình nấp sau những món quà Tết.
Câu chuyện ông Chủ tịch một huyện ở miền Trung trả lại quà Tết là việc làm không mới, nhưng là chuyện rất đáng để suy ngẫm.
Theo Huệ Anh (VietNamNet)