Giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn liên quan đến phát ngôn sai sự thật trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ: “Hậu quả của tin giả, sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, hiện nay đang trở thành mối đe dọa lớn đến tình hình kinh tế xã hội, thậm chí đe dọa đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu”.
Mức xử phạt còn chưa đủ răn đe
Hiện nay, trách nhiệm pháp lý theo quy định hiện hành, đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật có thể bị xử lý hành chính và hình sự. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, với khung từ 5-10 triệu đồng và thực tế vừa qua cơ quan thường xử phạt ở khung 7,5 triệu đồng.
Đại tướng Lương Tam Quang cho rằng, còn thiếu quy định mang tính định lượng cụ thể để xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi đưa tin giả, sai sự thật trên không gian mạng. Như xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào là nghiêm trọng, trong khi chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng xử phạt thông tin sai sự thật, bóc phốt, nói xấu mức 5-10 triệu đồng đối với Việt Nam là cao nhưng thực ra so với các nước là thấp.
“Bình thường hay lấy ở giữa phạt 7,5 triệu đồng. Sắp tới đề nghị tăng mức phạt này lên. Các quốc gia họ phạt rất nặng, đến hàng triệu USD”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Đây là Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.
Nghị định 147 bao gồm nhiều quy định mới, trong đó có việc quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới, xác thực tài khoản người dùng Internet, giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Nghị định cũng chỉ rõ, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Do vậy, khi ra đời, Nghị định đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của cộng đồng Internet Việt Nam.
Phát ngôn trên mạng không còn là vô danh
Theo tư lệnh ngành TT&TT, trước đây không gian mạng cơ bản là vô danh. Mọi người nhận thức là vô danh thì có thể vô trách nhiệm. Nghị định khiến người dùng mạng xã hội khi phát ngôn buộc phải định danh thông qua số điện thoại hoặc thông qua căn cước công dân, trách nhiệm của mọi người trên không gian mạng chắc sẽ tốt hơn rất nhiều.
“Bảo vệ không gian của tổ chức, quốc gia trên không gian mạng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, trách nhiệm của nhà nhà, của toàn bộ hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá về Nghị định 147, giới chuyên gia cho rằng sẽ có tác động lớn tới việc nâng cao nhận thức cá nhân của người dùng Internet, giảm thiểu thông tin sai lệch và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và trật tự xã hội.
Chuyên gia Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC cho rằng, khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng.
“Yêu cầu xác thực cũng giúp hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo. Đây thường là nguồn gốc của thông tin sai lệch, tin giả và các nội dung xấu độc. Người dùng phải ý thức rõ hơn về hậu quả của việc chia sẻ các thông tin thiếu chính xác, từ đó góp phần tạo nên không gian mạng lành mạnh hơn”, chuyên gia Trương Đức Lượng cho hay.
Theo chuyên gia, nghị định mới có thể xem như một công cụ mới điều chỉnh hành vi, còn quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người dùng mạng xã hội.
Thực hiện định danh tài khoản mạng xã hội là một hành trình đầy trở ngại, rất nhiều khó khăn và thách thức. Việc định danh tài khoản mạng xã hội được thực thi được xem là mấu chốt tạo ra môi trường mạng văn minh, một trong những yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển của đất nước.
Theo Vân Anh (Vov.vn)