Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ, tại các quốc gia phát triển, vùng cấp nước sinh hoạt được phân định rõ ràng, được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hàng loạt biện pháp kỹ thuật.
Ở Việt Nam chưa có quy hoạch nguồn nước, 1 đoạn sông có thể vừa dùng để tưới tiêu, vừa dùng cho hoạt động giao thông lại vừa phục vụ nước ăn uống.
"Có nơi nước xả thải từ trang trại lợn chỉ cách nơi cấp nước sinh hoạt vài cây số. Đây là lỗ hổng lớn nhất trong quản lý nguồn nước hiện nay” - ông Tùng nói.
Cần quan trắc đầu nguồn
Ông Tùng cho hay, Việt Nam hiện quản lý nguồn nước theo quy chuẩn. Tùy vào mục đích sử dụng như nước dùng cho mục đích ăn uống, giao thông, tưới tiêu, thủy sản sẽ áp dụng các quy chuẩn khác nhau.
Nước dùng cho ăn uống đang áp dụng quy chuẩn cao nhất (QCVN 01 của Bộ Y tế với 107 chỉ tiêu). Điều đó cho thấy chúng ta đặt chất lượng nước ăn uống là quan trọng nhất.
Cùng 1 lưu vực sông nhưng do mục đích sử dụng khác nhau nên quy chuẩn của mỗi đoạn sông lại có sự khác biệt.
Tuy nhiên, việc quy hoạch xác định mục đích sử dụng nước các lưu vực sông, vùng nào là tưới tiêu, vùng nào là thủy sản, vùng nào là nước sinh hoạt lại chưa có. Việc quy hoạch sử dụng nguồn nước chưa có ở cấp quốc gia, một số vùng mới có, địa phương nơi có nơi không.
“Chúng tôi đã khảo sát và nhận thấy nhiều mâu thuẫn. Chúng ta quản lý sông ngòi theo lưu vực nên đoạn trên dùng nước tưới tiêu, nông nghiệp, dưới lại dùng cho nước sạch sinh hoạt, điều này rất mâu thuẫn. Có xác định được mục đích sử dụng mới quan trắc, so sánh theo quy chuẩn nào và có ô nhiễm hay không", TS Hoàng Dương Tùng nói.
Nguyên Phó tổng cục trưởng cho hay, việc quản lý nguồn nước mặt cho nước sạch còn rất lỏng lẻo, không xác định được cụ thể vùng nào là vùng cấp nước sạch. Nước khác quản lý rất chặt. Vùng cung cấp nước ăn phải có quan trắc, hệ thống an toàn, ứng phó sự cố.
WHO cũng đã khuyến cáo để có giải pháp an toàn cho vùng nước uống; phải có hệ thống quan trắc; đặt quan trắc ở đâu, bao nhiêu, như thế nào, sự cố xảy ra thì làm như nào chứ không phải sau 1 tuần xảy ra sự cố mới ngăn chặn…
"Rõ ràng tôi có cảm giác chưa có quy trình hoặc có mà thực hiện chưa tốt, trong đó có cả việc chúng ta chưa có biện pháp xác định vùng nào là vùng tưới tiêu, nước sinh hoạt. Hàng trăm thông số như vậy, không phải thông số nào cũng quan trắc tự động được", ông Tùng nói.
Những khu vực sử dụng, quy hoạch phân vùng nước sạch cần công bố ngay những sông suối đó và có phương án bảo vệ an toàn vùng cấp nước đầu nguồn.
Không chỉ sông Đà mà sông Đuống, sông Hồng, sông Đồng Nai... phải kiểm tra ngay lại, phải triển khai các biện pháp an toàn tối đa, phải rà soát ngay các khu vực đó.
Thứ 2, cần tổng rà soát nguồn thải. Tại khu vực quy hoạch cấp nước sạch sinh hoạt, cần xác định các nguồn thải ở xung quanh, đơn vị nào không tuân thủ yêu cầu thì phải cương quyết di dời đi chỗ khác.
Kiểm soát váng dầu thải từ tàu bè trên sông
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam khuyến cáo: Việc đổ trộm dầu thải ra nguồn nước sông Đà sẽ không là phải là trường hợp duy nhất nếu chúng ta không thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa.
Bộ GTVT đã ban hành thông tư 20/VBHN-BGTVT ngày 19/11/2013 qui định các phương tiện thủy nội địa không được xả nước nhiễm dầu đáy tàu ra ngoài môi trường mà phải lắp đặt máy phân ly dầu nước, hoặc bố trí két/thùng chứa nước thải nhiễm dầu (nếu công suất máy thủy dưới 220kW) đưa lên bờ xử lý.
Tuy nhiên quy định này rất khó kiểm soát, các phương tiện thường bơm nước nhiễm dầu trực tiếp ra sông.
Chưa kể nguy cơ tàu thuyền chở hàng hóa là hóa chất nguy hiểm bị va đâm thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn nữa.
Bồn chứa ngầm của các cửa hàng xăng dầu, các tàu kinh doanh xăng dầu trên mặt nước cũng tiềm ẩn sự cố.
"Hiện nay việc quản lý hoạt động của các cơ sở sử dụng xăng dầu còn rất lỏng lẻo. Chính quyền địa phương cần rà soát tất cả các điểm nguy cơ dọc 2 bên gần bờ sông Đà, kiểm tra tuổi thọ, chất lượng bồn chứa ngầm các cửa hàng xăng dầu, hoạt động của các nhà máy trong lưu vực sông.
Bên cạnh đó, cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa chủ động như lắp đặt phao quây dầu cố định trước cửa lấy nước cùng với màng lọc dầu chuyên dụng SOS-1 có khả năng giữ lại các hạt dầu khuếch tán chìm trong nước.
Ngoài ra, cần lắp đặt hệ thống quan trắc tại khu vực lấy nước vào nhà máy cũng như trên thượng nguồn để có thể cảnh báo kịp thời khi phát hiện bất thường. Việc này cần được làm gấp rút vì đây là vấn đề an ninh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân", Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam trăn trở.
Theo Thái Bình (VietNamNet)