Ở nước ta, mùa xuân thường là mùa cao điểm của các lễ hội, đến mức đôi khi người người còn sửng sốt hỏi nhau: “Không biết lễ hội ở đâu ra mà nhiều đến thế?”.
Theo thống kê sơ bộ, hiện ở nước ta có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng... và ngoài ra còn khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào. Đó là chưa kể các lễ hội nội bộ (ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ...).
Thế nên, đã có những nhẩm tính: Bình quân mỗi ngày nước ta có đến trên dưới 20 lễ hội đã có đăng ký! Quả là một kỷ lục!
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đa số lễ hội ở nước ta thường “dồn” vào mùa xuân. Nguyên nhân là do môi trường không gian, thời gian chi phối. Thông thường, mùa hè ở ta thì nắng nóng oi ả, gay gắt; mùa đông thì lạnh giá, gió bấc mưa phùn nên không phù hợp để tổ chức lễ hội.
Hình ảnh quá tải ở nhiều lễ hội |
Dù chưa có thống kê chính thức tổng số lễ hội ở các nước trên thế giới để so sánh nhưng tính ra trong con số 9.000 lễ hội/năm ấy thì những lễ hội quy mô quốc gia ở ta như Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương… lại không phải là nhiều. Tại Trung Quốc, có khoảng 9 lễ hội toàn quốc và Nhật Bản cũng chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn qua lễ hội hoa anh đào, lễ hội hasumode, setsubun… còn những lễ hội nhỏ mang tính địa phương, dân tộc thì nhiều vô số. Bởi vậy, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nếu so với mức trung bình chung ở khu vực và trên thế giới thì lễ hội ở nước ta không quá nhiều cũng không quá ít.
Xét về giá trị cốt lõi thì việc tổ chức các lễ hội phần nào phản ánh được vấn đề ý thức về văn hóa dân tộc và nếu chủ thể tham gia nắm vững ý nghĩa truyền thống để phát huy, sáng tạo thì là việc làm tốt, đáng khuyến khích. Tuy nhiên, trên thực tế, lễ hội ở ta có đang bị chi phối bởi sự bát nháo, trục lợi?
Hình ảnh dòng người chen lấn để cướp "hoa tre" tại hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội); vung dao đuổi nhau trong lễ hội cướp phết cầu may (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc); lăn xả cướp chiếu để sinh được quý tử tại lễ hội Đúc Bụt (Phù Liễn, Đồng Tĩnh, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) hay lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) hay lấy búa đập đầu trâu trong lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ)... đã khiến chính những người trẩy hội phát... "ngốt" vì lễ hội!
Bi kịch của vụ lợi
Chưa vội bàn tới vấn đề trong gần 9.000 lễ hội/ năm, trong số đó có những lễ hội kéo dài ngót 3 tháng (chùa Hương, Yên Tử, chùa Bái Đính...) có quá nhiều và quá dài hay không nhưng với sự tiêu tốn lớn về thời gian, tiền của, nguồn lực, vật chất xã hội cho việc đi lại, lễ lạt, ăn uống… kèm theo cả tình trạng mê tín, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, cướp giật…đã và đang diễn ra thì quả là chuyện đáng suy ngẫm.
Tranh cướp chiếu trong lễ hội Đúc Bụt ở Vĩnh Phúc |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cũng đồng quan điểm trên: “Tình trạng lạm dụng lễ hội đã trở nên báo động ở rất nhiều lễ hội các cấp địa phương, cấp tỉnh và cả cấp quốc gia và biểu hiện trên nhiều mặt khác nhau, cả ở phía người tổ chức, chủ thể lễ hội, và cả ở khách đi hội. Điều đó làm cho những ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát".
"Tính tích cực của nhiều lễ hội đang bị lu mờ" (Nguyễn Hùng Vĩ) |
Vậy, nên duy trì gần 9.000 lễ hội/ năm hay chỉ chọn lọc và tổ chức thật tốt những lễ hội thật cần thiết? Và nếu giảm thì giảm bao nhiêu, giảm thế nào để vẫn bảo đảm nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, quảng bá bản sắc của cộng đồng người Việt?.
|
Lễ cúng trỉa lúa của dân tộc Brâu (Tây Nguyên) |
"Cái cần làm nhất không phải là một hướng dẫn chung mà là những nghiên cứu khách quan, cụ thể hiện trạng từng cái một: Đền Hùng khác, Đền Trần khác, Yên Tử khác, Chùa Hương khác, Hội Lim khác v.v... Từ những cái cụ thể như vậy, chúng ta vạch ra những kế hoạch chi tiết, những hành động sát thực và kiên quyết. Thượng tôn pháp luật phải được đưa lên hàng đầu thì ta mới từng bước làm chủ được tình hình, hướng tới các giá trị chân thiện mĩ như ta hằng mong muốn.