Hiện nay, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa mưa bão. Công tác cứu nạn, cứu hộ cũng như các phương án phòng chống lụt bão đã được các đơn vị liên quan chuẩn bị, sẵn sàng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến người dân lo lắng là sẽ xảy ra ngập úng nếu mưa lớn ở Hà Nội.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2023, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/giờ, Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập.
Tuy nhiên, nếu lượng mưa lên đến từ 50 - 70mm/giờ, Hà Nội dự kiến sẽ có 11 điểm/khu vực úng ngập. Bao gồm các phố: Nguyễn Khuyến, Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Cao Bá Quát, Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho), Minh Khai, Nguyễn Chính, Đại lộ Thăng Long, phố Ngọc Lâm, đường Hoàng Như Tiếp.
Trường hợp các trận mưa tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa từ 100mm/giờ trở lên sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Dự kiến, trên địa bàn Hà Nội sẽ có thêm 19 điểm/khu vực úng ngập cục bộ, gồm: phố Tông Đản, Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng, phố Mạc Thị Bưởi, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ, Trần Bình, Kẻ Vẽ, Ecohome3, Khu đô thị Resco, phố Đỗ Đức Dục, đường Nguyễn Xiển, Cổ Linh - Đàm Quang Trung, Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) và đường 23B đoạn qua thôn Cổ Điển (huyện Đông Anh).
Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại các khu vực trên là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật và các công trình thoát nước đầu mối theo quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ. Hệ thống thoát nước vẫn chủ yếu bằng phương pháp tự chảy, phụ thuộc vào mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây.
Ngoài ra, một số dự án thi công kéo dài như: dự án xây dựng nhà ga S12 – dự án Đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); dự án nạo vét sông Cầu Bây; dự án thi công tuyến kênh La Khê thuộc dự án Cải tạo hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây TP Hà Nội; dự án cống hóa mương Thụy Khuê… và một số dự án thoát nước đã hoàn thành nhưng chậm bàn giao đưa vào sử dụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tiêu thoát nước tại Thủ đô.
Hơn nữa, tại các trạm bơm đầu mối, một số thiết bị đặc thù không có sẵn trên thị trường nên khi xảy ra sự cố phải nhập khẩu hoặc đặt hàng nhà sản xuất với thời gian dài. Hệ thống thoát nước một số khu vực, đặc biệt là khu vực phố cổ, tuyến đường tỉnh lộ vận hành nhiều năm nay đã bị xuống cấp,ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước, cần được sửa chữa, nâng cấp.
Theo ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ), trong năm 2023, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên Hà Nội có thể xuất hiện những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, mưa lớn trong thời gian ngắn và thiếu hụt về nguồn nước. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 7-9 đợt nắng nóng và 6-8 đợt mưa lớn trên diện rộng...
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, được tổ chức ngày 19/5, ông Phan Hoài Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cảnh báo: “Nếu xảy ra trận mưa có lượng mưa từ 50 đến 70mm/giờ, nội thành Hà Nội còn 11 trọng điểm có nguy cơ úng ngập. Nếu lượng mưa cao hơn 70mm/giờ, Hà Nội sẽ có hơn 30 điểm. Do đó, ông Minh cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có phương án ứng phó phù hợp, hạn chế nguy cơ ngập úng trên địa bàn thành phố.
Theo Thanh Hiếu (Tiền Phong)